Giỏ hàng

Ai dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu?

Gan nhiễm mỡ không do rượu bia


Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là một thuật ngữ áp dụng cho một loạt các điều kiện ảnh hưởng đến gan ở những người uống ít hoặc không uống rượu. Bệnh ngày càng phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Ở Việt Nam, hiện chưa có thống kê chính thức nhưng những năm gần đây, các nghiên cứu đều cho thấy tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ngày càng có xu hướng gia tăng.

1. Tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) có thể tồn tại ở các dạng sau:

  • Gan nhiễm mỡ đơn thuần: Không gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do có tồn tại lượng chất béo bị tích tụ trong gan nhưng không gây viêm gan và tổn thương tế bào gan. Phần lớn những người bị gan nhiễm mỡ không do rượu được chẩn đoán là gan nhiễm mỡ đơn thuần.
  • Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH): Có tính chất nghiêm trọng hơn nhiều so với gan nhiễm mỡ đơn thuần. Khi được chẩn đoán NASH nghĩa là đã có dấu hiệu bị viêm trong gan và cũng có thể làm tổn thương các tế bào gan. Từ đây có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như: xơ hóa (sẹo gan), xơ gan (sẹo nặng ở gan, có thể dẫn đến suy gan và tử vong), ung thư gan. Có khoảng 20% những người bị NAFLD có NASH.

Các triệu chứng của NAFLD khá mơ hồ và giống với nhiều bệnh khác. Trong một số trường hợp người bệnh có thể cảm thấy: mệt mỏi, đau bụng khó chịu, sụt cân, chán ăn, buồn nôn... Để chẩn đoán chính xác bệnh đòi hỏi các bằng chứng mô học thu được từ sinh thiết gan và các xét nghiệm khác.

Chẩn đoán bệnh chính xác bằng sinh thiết gan
Chẩn đoán bệnh chính xác bằng sinh thiết gan

2. Ai dễ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu?

Người ta chưa xác định được nguyên nhân chính xác của NAFLD, tuy nhiên bệnh thường gặp hơn ở những người bị béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, hội chứng buồng trứng đa nang, suy giáp, hội chứng ngưng thở khi ngủ, suy tuyến yên, suy tuyến sinh dục, cắt tá tràng tụy.

Các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Chứng béo phì (nặng cân): Là nguyên nhân phổ biến nhất.
  • Đái tháo đường type 2: Theo nghiên cứu có 30-60% bệnh nhân đái tháo đường cũng bị gan nhiễm mỡ không do rượu.
  • Rối loạn mỡ máu: Bệnh nhân có chỉ số triglycerid trong máu cao, cholesterol máu thấp cũng dễ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu. Tỷ lệ bị NAFLD trong nhóm bệnh nhân rối loạn mỡ máu chiếm khoảng 59 %.
  • Tuổi: Tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu và mức độ bệnh gan tăng theo tuổi.
  • Giới tính: Tỷ lệ mắc NAFLD ở nam cao gấp 2 lần nữ.
  • Gen: Tỷ lệ mắc NAFLD khác nhau giữa các sắc tộc, có thể do sự khác nhau về yếu tố gen.

Vậy đối tượng nào cần sàng lọc gan nhiễm mỡ không do rượu?

  • Tất cả những cá nhân có tăng men gan kéo dài đều nên sàng lọc gan nhiễm mỡ không do rượu, vì đây là nguyên nhân nhân phổ biến của tăng men gan không giải thích được.
  • Đối với những người bị béo phì thì việc theo dõi, phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là bắt buộc. Bởi béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh và cũng làm góp phần làm gia tăng nguy cơ bệnh tiến triển.
  • Những người bị đái tháo đường type 2 cũng cần thực hiện sàng lọc gan nhiễm mỡ không do rượu, vì ở những người này bệnh có nguy cơ tiến triển rất cao.
  • Những người bị rối loạn mỡ máu, hội chứng chuyển hóa.
Những người mắc bệnh béo phì bắt buộc theo dõi gan nhiễm mỡ
Những người mắc bệnh béo phì bắt buộc phải phòng ngừa gan nhiễm mỡ

3. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ không do rượu

3.1. Đánh giá gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ nên được xác định bằng siêu âm bụng, thực hiện siêu âm bụng còn giúp phát hiện thêm các thông tin về gan mật.

Một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác là controlled attenuation parameter (CAP) cũng được sử dụng để chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Kỹ thuật này có thể xác định mức độ nhiễm mỡ trong gan.

Các chỉ số đánh giá gan nhiễm mỡ tốt nhất bao gồm: FLI ((Fatty liver index), SteatoTest và NAFLD liver fat score.

3.2. Đánh giá viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH)

Bệnh nhân bị viêm gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ có nguy cơ cao về tiến triển xơ hóa gan, xơ gan và ung thư gan. Những bệnh nhân này cần theo dõi sát và cần điều trị tích cực hơn.

Các dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm hóa sinh, chẩn đoán hình ảnh không thể phân biệt được viêm gan nhiễm mỡ không do rượu và gan nhiễm mỡ đơn thuần.

Để chẩn đoán xác định viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, cách tốt nhất là thực hiện sinh thiết gan.

4. Các biện pháp điều trị gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ đơn thuần không cần điều trị nhưng những nguyên nhân tiềm ẩn lại cần chú ý, tránh dẫn tới những bệnh phức tạp về sau. Điều trị gan nhiễm mỡ tốt nhất là đảo ngược những nhân tố nguy cơ có liên quan tới nguyên nhân gây ra tình trạng này:

  • Giảm cân: Nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ ở người dư cân, béo phì cao gấp nhiều lần người có trọng lượng bình thường. Việc duy trì chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục có thể giúp giảm cân an toàn. Đối với bệnh nhân mắc NAFLD song song với thừa cân, béo phì, việc giảm 7 - 10% cân nặng là mục tiêu điều trị, giúp làm giảm men gan và cải thiện mô học gan.
  • Kiểm soát tiểu đường song song với kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn, chỉ số insulin hoặc thuốc uống cũng giúp tái tạo các tế bào gan bị tổn thương.
  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn, không dùng quá liều, tự ý dùng thuốc bởi nó sẽ làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Thông thường, người mắc bệnh gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu chưa được chỉ định dùng thuốc mà chỉ thăm khám theo dõi định kỳ.
  • Cải thiện các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh, đó là tình trạng mỡ máu cao, bao gồm cholesterol và chất béo trung tính (triglyceride) cao. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ. Những chỉ số này có thể giảm qua chế độ ăn và/hoặc uống thuốc. Việc điều trị sớm mỡ máu cao sẽ cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ rất hiệu quả.