Kiêng gì ở giai đoạn 1 của gan nhiễm mỡ?
Gan nhiễm mỡ độ 1 kiêng ăn gì và uống thuốc gì để cải thiện tình trạng bệnh là điều rất nhiều người quan tâm ngay sau khi chẩn đoán phát hiện. Ở giai đoạn 1 của gan nhiễm mỡ, bệnh nhân chỉ cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và thay đổi lối sống là bệnh sẽ tự khỏi.
1. Gan nhiễm mỡ cấp độ 1 là gì?
Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng ứ đọng mỡ trong gan, xảy ra khi lượng mỡ chiếm hơn 5% tổng trọng lượng lá gan. Gan nhiễm mỡ cấp độ 1 là khi lượng mỡ tích trữ trong gan chiếm từ 5 đến 10% trọng lượng lá gan và vẫn được xem là lành tính. Bệnh nhân gan nhiễm mỡ cấp 1 hầu như chưa có biểu hiện bất thường. Đa phần các trường hợp phát hiện bệnh là thông qua khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, một số trường hợp gan nhiễm mỡ nhẹ có thể gặp những biểu hiện thoáng qua như mệt mỏi, đau tức hoặc nặng vùng gan.
Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ rất đa dạng. Trong đó, những nguyên nhân chủ yếu bao gồm: Thường xuyên uống rượu bia, béo phì hoặc suy dinh dưỡng, rối loạn mỡ máu, nhiễm virus viêm gan, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và sinh hoạt thiếu lành mạnh. Ngoài ra còn có nguyên nhân do bệnh lý, các tác dụng phụ của thuốc và yếu tố di truyền trong gia đình. Nếu kịp thời điều trị thì gan nhiễm mỡ cấp 1 khả năng cao sẽ được phục hồi nguyên trạng. Mục tiêu của điều trị gan nhiễm mỡ là giảm hàm lượng mỡ trong gan, chủ yếu thông qua chế độ dinh dưỡng. Vậy người bị gan nhiễm mỡ độ 1 nên kiêng ăn gì?
2. Gan nhiễm mỡ độ 1 kiêng ăn gì?
2.1. Kiêng chất béo, mỡ động vật
Mỡ động vật sau khi dung nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa qua gan. Nếu ăn quá nhiều mỡ động vật, gan phải hoạt động nhiều hơn và sẽ là gánh nặng cho bộ phận này. Mặt khác, gan không thể bài tiết mỡ, do đó nếu mỡ dư thừa sẽ dẫn đến tích tụ, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Như vậy, bệnh nhân gan nhiễm mỡ cấp độ 1 nên thay thế chất béo và mỡ động vật bằng các loại dầu béo có nguồn gốc từ thực vật.
2.2. Kiêng những thực phẩm có cholesterol cao
Da và nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà là những thực phẩm chứa lượng cholesterol cao. Để làm giảm lượng chất béo trong gan, bệnh nhân cần giảm tiêu thụ các loại thực phẩm này.
2.3. Không nên tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ
Thịt đỏ có chứa rất nhiều protein, là cơ chất được chuyển hóa tại gan và sẽ trở thành gánh nặng cho gan. Khả năng chuyển hóa của gan bị suy giảm sẽ làm tăng lượng mỡ tồn đọng, khiến tình trạng gan nhiễm mỡ trở nên nghiêm trọng hơn.
2.4. Hạn chế các loại hoa quả có chứa nhiều fructose
Hàm lượng đường cao là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như béo phì, tiểu đường và gan nhiễm mỡ. Fructose là loại đường do gan chuyển hóa và có mặt trong một số loại hoa quả ngọt. Việc hạn chế các loại trái cây chứa nhiều fructose sẽ giúp giảm gánh nặng cho gan và phòng tránh bệnh gan nhiễm mỡ.
2.5. Kiêng những gia vị cay nóng
Bệnh nhân gan nhiễm mỡ độ 1 nên kiêng các loại đồ ăn và gia vị cay nóng, vì chất cay có thể làm suy giảm chức năng gan, khiến cho gan không thể thực hiện bài tiết chất béo, dẫn đến hiện tượng ứ đọng và tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
2.6. Tránh dùng các chất kích thích
Rượu, bia và những loại đồ uống chứa chất kích thích là nhóm thực phẩm cấm kỵ với người bị gan nhiễm mỡ độ 1. Rượu bia là nguyên nhân thúc đẩy quá trình tiến triển từ gan nhiễm mỡ sang xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Các chất độc hại từ rượu bia tạo ra gánh nặng rất lớn cho lá gan.
Bên cạnh việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, bệnh nhân gan nhiễm mỡ cấp 1 cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng và cải thiện chuyển hóa của tế bào gan.
3. Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 uống thuốc gì tùy chỉ định của bác sĩ
Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ khi mới phát hiện nên thường xuyên đến cơ sở y tế để định kỳ kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng bệnh. Sau khi thăm khám và có kết quả chính xác về tiên lượng bệnh, bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ tổn thương của tế bào gan, cùng với nhu cầu và điều kiện của bệnh nhân để đưa ra chỉ định phù hợp.
Như vậy, gan nhiễm mỡ độ 1 uống thuốc gì là tùy vào chỉ định của bác sĩ và thể trạng của từng bệnh nhân. Qua đó, bác sĩ sẽ cân nhắc phác đồ điều trị phù hợp để mang lại hiệu quả chữa bệnh hiệu quả nhất.