Giỏ hàng

Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng: gợi ý xây dựng thực đơn tốt nhất cho trẻ

Suy dinh dưỡng kéo dài là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quá trình phát triển ở trẻ. Một chế độ ăn lành mạnh và cân đối sẽ giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và hỗ trợ phát triển thể chất, tinh thần cho trẻ. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng để các bậc cha mẹ tham khảo.
 

1. Hiểu về suy dinh dưỡng ở trẻ

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết để đảm bảo sự phát triển và duy trì ổn định sức khỏe. Ở trẻ em, suy dinh dưỡng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như chậm phát triển, giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng, bao gồm:

- Trẻ không được cung cấp đủ lượng thực phẩm cần thiết.

- Các bệnh lý như tiêu chảy, nhiễm trùng và ký sinh trùng làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng ở trẻ.

- Cha mẹ không có đủ kiến thức để xây dựng một chế độ ăn hợp lý cho trẻ.

- Điều kiện kinh tế khó khăn khiến gia đình không thể cung cấp đủ thực phẩm cho trẻ.

Chế độ ăn không hợp lý trong thời gian dài là nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị suy dinh dưỡng

Chế độ ăn không hợp lý trong thời gian dài là nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị suy dinh dưỡng

2. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng

2.1. Đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm

Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng cần có được c chế độ ăn uống đầy đủ 4 nhóm thực phẩm sau:

- Nhóm bột đường

Đây là nhóm gồm các thực phẩm giúp cung cấp năng lượng cho các hoạt động thường ngày của trẻ như: mì, cơm, phở, bún,...

- Nhóm đạm

Nguồn đạm động vật từ cá, thịt, cua, trứng,... hoặc đạm thực vật như: nấm, các loại hạt, các loại đậu,... là thành phần cấu trúc và giúp sửa chữa tế bào của cơ thể. Tuy nhiên, trong bữa ăn của trẻ cần có sự cân bằng nhóm này với các nhóm thực phẩm khác để tránh dư protein không tốt cho chức năng thận. 

- Nhóm vitamin và khoáng chất 

Đây là nguồn thực phẩm từ các loại rau, củ, quả... vừa cung cấp chất xơ vừa bổ sung vitamin và khoáng chất tốt cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và sức khỏe của các hệ cơ quan khác. 

Để bổ sung nhóm chất này vào bữa ăn của trẻ bị suy dinh dưỡng mẹ nên ưu tiên các loại rau lá xanh đậm, trái cây họ cam quýt,...

- Nhóm chất béo

Chất béo rất cần để phát triển hệ thần kinh và tạo năng lượng dự trữ cho cơ thể trẻ. Cha mẹ có thể bổ sung chất béo cho con từ các loại dầu thực vật, sữa nguyên kem, bơ, vừng, lạc,... nhưng cần lưu ý không tiêu thụ > 10% hàm lượng axit béo bão hòa/ngày. 

2.2. Cung cấp đủ năng lượng

Khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng, cha mẹ cần chú ý cung cấp đầy đủ năng lượng để giúp cơ thể trẻ được phục hồi và phát triển tốt nhất. Nguồn năng lượng cung cấp cho trẻ qua bữa ăn hàng ngày nên được đến từ thực phẩm giàu carbohydrate và chất béo. 

- Thực phẩm giàu carbohydrate: cơm, bánh mì, khoai tây,...

- Thực phẩm cung cấp chất béo: dầu ăn, bơ, mỡ động vật,...

2.3. Đảm bảo đủ protein

Protein là thành phần quan trọng giúp xây dựng và phục hồi cơ bắp cho trẻ. Vì thế, cha mẹ cần bổ sung các thực phẩm giàu protein như:

- Nguồn protein từ động vật: thịt, cá, trứng,...

- Nguồn protein từ thực vật: đậu nành, đậu xanh, hạt óc chó, hạnh nhân,...

2.4. Bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất

Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình phát triển của trẻ. Các thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin cần ưu tiên bổ sung trong chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng gồm:

- Rau xanh, củ quả: giàu vitamin A, C, K, sắt, canxi,...

- Trái cây tươi: cung cấp vitamin C và chất xơ.

2.4. Nhiều bữa ăn nhỏ mỗi ngày

Dạ dày của trẻ suy dinh dưỡng thường có kích thước nhỏ và trẻ không thể ăn nhiều trong một lần. Do đó, cha mẹ cần chia bữa ăn trong ngày thành 5 - 6 bữa nhỏ để giúp trẻ dễ dàng hấp thu và tiêu hóa.

Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng cần đảm bảo dưỡng chất và nguồn năng lượng cho cơ thể

Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng cần đảm bảo dưỡng chất và nguồn năng lượng cho cơ thể

3. Gợi ý chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng qua từng bữa ăn trong ngày

Cha mẹ có thể tham khảo thực đơn sau để cải thiện chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng, chú ý bổ sung thêm lượng mỡ động vật vào mỗi bữa ăn sao cho đảm bảo tổng lượng tiêu thụ trung bình dành cho trẻ từ 12 tháng trở lên trong khoảng 20 - 30ml.

3.1. Bữa sáng

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, cung cấp năng lượng cho các hoạt động học tập và vui chơi của trẻ. Khi xây dựng thực đơn chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng mẹ có thể tham khảo gợi ý bữa sáng với các món ăn sau:

- Cháo yến mạch với sữa

+ Nguyên liệu: 30g yến mạch, 200ml sữa tươi, 1 thìa cà phê mật ong.

+ Cách làm: đun yến mạch với sữa tươi cho đến khi yến mạch chín mềm thì thêm mật ong vào để tăng hương vị và giá trị dinh dưỡng cho món ăn.

Món ăn này không chỉ cung cấp năng lượng và protein mà còn giàu chất xơ hỗ trợ hệ tiêu hóa.

- Trái cây: 1 quả chuối hoặc 1 quả táo nhằm cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho hệ miễn dịch.

3.2. Bữa phụ sáng

Bữa phụ sáng giúp duy trì năng lượng cho trẻ đến bữa trưa và bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

- Sữa chua

Đây là món ăn tiện lợi nhưng giàu canxi và protein giúp đảm bảo sự chắc khỏe, khả năng phát triển xương và răng của trẻ.

- 1 nắm nhỏ nho khô hoặc 10 - 15 hạt hạnh nhân để cung cấp thêm khoáng chất, vitamin và chất béo lành mạnh cho trẻ.

3.3. Bữa trưa

Bữa trưa cần đảm bảo đầy đủ các nhóm dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho nửa ngày còn lại. Vì thế, trong chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng mẹ có thể chọn:

- Cơm với thịt gà hoặc cá

+ Nguyên liệu: 100g thịt gà (hoặc cá), 1 bát cơm.

+ Cách làm: thịt gà hoặc cá luộc hoặc chiên sơ với dầu oliu, ăn kèm với cơm.

Món ăn này cung cấp carbohydrate và protein, hỗ trợ phát triển cơ bắp của trẻ.

- Rau rau cải ngọt luộc hoặc xào cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa.

- Canh rau củ

+ Nguyên liệu: 50g cà rốt, 50g khoai tây, 100ml nước dùng.

+ Cách làm: khoai tây và cà rốt thái miếng nhỏ đem hầm cùng với nước dùng cho đến khi các loại củ này chín mềm.

Đây là món ăn bổ sung chất lỏng và dinh dưỡng từ rau củ cho trẻ.

Cha mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia để có được chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng đảm bảo hiệu quả hấp thu tối ưu

Cha mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia để có được chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng đảm bảo hiệu quả hấp thu tối ưu 

3.4. Bữa phụ chiều

Bữa phụ chiều giúp cơ thể trẻ duy trì năng lượng cho các hoạt động mà không có cảm giác đói trong khoảng thời gian chờ bữa tối.

- Bánh mì kẹp phô mai hoặc bơ đậu phộng

+ Nguyên liệu: 1 lát bánh mì, 1 thìa bơ đậu phộng hoặc 1 lát phô mai.

+ Cách làm: phết bơ đậu phộng hoặc kẹp phô mai vào bánh mì.

Món ăn này hết sức đơn giản nhưng lại giàu năng lượng và protein, cung cấp chất béo lành mạnh cho cơ thể của trẻ.

- Nước ép cam hoặc nước ép táo giúp trẻ được cung cấp vitamin, khoáng chất và nước để giữ ẩm và tăng miễn dịch cho cơ thể.

3.5. Bữa tối

Bữa tối nhẹ nhàng nhưng đầy đủ dinh dưỡng là yếu tố để trẻ có một giấc ngủ đêm chất lượng.

- Cháo bí đỏ

+ Nguyên liệu: 30g gạo, 100g bí đỏ, 100ml nước dùng.

+ Cách làm: đem những nguyên liệu này nấu cho đến khi thu được thành phẩm chín mềm, sánh quện.

Với bữa tối, đây là món ăn dễ tiêu mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng và năng lượng cho trẻ.

- Thịt bò xào hoặc trứng luộc giúp cung cấp nguồn protein chất lượng cao để phục hồi cơ bắp và đảm bảo sự phát triển toàn diện ở trẻ.

- Bông cải xanh luộc hoặc hấp vừa tốt cho tiêu hóa vừa cải thiện miễn dịch cho trẻ.

3.6. Bữa phụ tối

Bữa phụ tối nhẹ nhàng giúp trẻ duy trì năng lượng trong suốt một đêm dài và có giấc ngủ sâu. Một cốc sữa ấm vừa giúp trẻ được bổ sung canxi và protein để đảm bảo năng lượng cho giấc ngủ đêm vừa hỗ trợ sự phát triển và độ chắc khỏe của hệ xương.

Nếu đã áp dụng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng trên đây mà không có dấu hiệu cải thiện, mẹ nên cho con đến chuyên gia dinh dưỡng thăm khám để tìm ra nguyên nhân và có phương án điều chỉnh phù hợp.

Xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng với một kế hoạch hợp lý, triển khai khoa học sẽ giúp trẻ có được sự phục hồi tốt nhất. Trong quá trình thực hiện kế hoạch này, cha mẹ cần theo dõi sự thay đổi của con để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết. Làm được như vậy, trẻ sẽ có điều kiện thuận lợi để lớn lên khỏe mạnh và không bỏ lỡ các dấu mốc phát triển toàn diện.

Nguồn: medlatec