Điểm danh 5 cách trị táo bón cho bà bầu nhanh nhất qua sinh hoạt hàng ngày
1. Vì sao bà bầu hay bị táo bón?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón ở phụ nữ mang bầu. Trong đó, sự thay đổi của nồng độ nội tiết tố, chế độ dinh dưỡng là những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hoạt động của đường tiêu hóa.
Chế độ ăn nghèo chất xơ - một trong những nguyên nhân gây táo bón ở bà bầu
- Nồng độ hormone sinh dục Progesterone tăng: Trong thời kỳ mang thai, Progesterone thường tăng lên để tạo sự thoải mái cho cơ bắp. Thế nhưng, hoạt động của đường ruột lại có xu hướng suy yếu khi loại hormone sinh dục này tăng. Hệ quả là tốc độ tiêu hóa chậm dần, gây hiện tượng táo bón.
- Dây thần kinh và tĩnh mạch tại vùng chậu bị chèn ép: Điều này xảy ra khi thai nhi lớn dần và tử cung cũng to dần về kích thước, chèn ép một số dây thần kinh, tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch dưới. Khi đó, đường tiêu hóa cũng bị tác động, chức năng tiêu hóa kém đi, tốc độ chuyển hóa thức ăn dần chậm lại.
- Cơ thể mất nước: Tình trạng này chủ yếu xuất hiện trong khoảng 3 tháng đầu của thai kỳ do triệu chứng ốm nghén. Việc cơ thể mất nước sẽ dẫn tới táo bón, phân khó bị đào thải ra bên ngoài.
- Ít vận động: Càng đến thời điểm sinh nở, mẹ bầu sẽ càng vận động ít lại nên dễ bị táo bón.
- Ảnh hưởng của một số bệnh lý như nhược giáp, tiểu đường,...
- Thói quen nhịn tiểu: Nhịn tiểu thường xuyên dễ khiến mẹ bầu bị táo bón.
- Thiếu hụt chất xơ: Khi bị thiếu hụt chất xơ, hoạt động của đường tiêu hóa khó diễn ra bình thường, làm tăng nguy cơ táo bón.
- Các nguyên nhân khác: dung nạp nhiều các khoáng chất như canxi, sắt; lượng ăn quá mức so với thông thường.
2. Bà bầu bị táo bón kéo dài có sao không?
Trong phần lớn các trường hợp thì táo bón ở bà bầu thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, thai nhi dễ bị ảnh hưởng như bị sinh non, suy dinh dưỡng.
Tình trạng táo bón kéo dài có thể khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng
Ngoài ra, táo bón kéo dài còn có thể gây nứt kẽ hậu môn, trĩ,... khiến mẹ bầu gặp phải không ít khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng tiêu cực tâm lý và từ đó tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi.
3. Cách trị táo bón cho bà bầu nhanh nhất có thể áp dụng tại nhà
3.1. Tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ
Một trong những cách trị táo bón cho bà bầu nhanh nhất là bổ sung thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao. Theo đó, tăng cường hấp thụ chất xơ kết hợp uống nhiều nước giúp làm mềm phân, giúp phân dễ bị đào thải ra bên ngoài hơn.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, thai phụ nên ưu tiên sử dụng những loại thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ dồi dào như ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, một số loại hạt, đậu, trái cây.
Ngũ cốc nguyên hạt chứa lượng chất xơ dồi dào
Bạn không nhất thiết phải ước lượng chính xác lượng chất xơ tiêu thụ hàng ngày. Thay vào đó, bạn hãy quan sát phân sau mỗi lần đi đại tiện (kích thước, độ mềm). Nếu phân quá lỏng (tiêu chảy) khả năng cao cơ thể đang dung nạp quá mức chất xơ.
3.2. Bổ sung lợi khuẩn
Trong đường ruột của mỗi con người luôn tồn tại của cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Trạng thái giữa lợi khuẩn và hại khuẩn cần phải cân bằng. Trường hợp hại khuẩn thắng thế, hoạt động của đường ruột sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, bạn cần bổ sung những loại đồ ăn, thức uống giàu lợi khuẩn.
Theo đó, sữa chua, nước uống lên men kombucha,... có tác dụng thúc đẩy sản sinh lợi khuẩn, hỗ trợ hiệu quả quá trình phân giải thực phẩm hấp thụ, hạn chế phần nào tình trạng táo bón.
Bổ sung sữa chua giàu lợi khuẩn tốt cho đường ruột là một cách trị táo bón cho bà bầu nhanh nhất
3.3. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm dễ gây táo bón
Bên cạnh nhiều loại thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa thì vẫn có không ít các loại thực phẩm dễ làm tăng nguy cơ táo bón. Chẳng hạn như:
- Chocolate: Trong Chocolate chứa một số loại chất béo, khiến tốc độ tiêu hóa chậm lại.
- Một số sản phẩm từ sữa, phô mai: Lượng lactose trong những sản phẩm này có khả năng gây hiện tượng tích tụ khí, khiến bụng đầy hơi, khó tiêu.
- Một số loại thịt đỏ: Trong thịt đỏ thường chứa nhiều sắt nên nếu ăn nhiều có thể gây khó tiêu, táo bón.
- Chuối xanh: Trong chuối xanh chứa tương đối nhiều tinh bột, dễ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa.
- Thực phẩm có nguồn gốc từ ngũ cốc tinh chế: như bánh mì, cơm trắng.
3.4. Uống nhiều nước
Thói quen lười uống nước là một trong những nguyên nhân chủ đạo gây táo bón. Bởi nước hỗ trợ quá trình chuyển hóa, tham gia vào nhiều phản ứng trong cơ thể.
Mặt khác, chất xơ có mối liên hệ với nhu cầu về nước của cơ thể. Cụ thể, khi hấp thụ chất xơ, nhu cầu về nước của cơ thể cũng tăng lên. Trường hợp không được cung cấp đủ nước, chất xơ lại vô tình trở thành nguyên nhân gây táo bón.
Phụ nữ mang thai nên tích cực uống nước hàng ngày
Do vậy, phụ nữ trong thời kỳ mang bầu cần cố gắng bổ sung đủ nước, theo nhu cầu hấp thụ của cơ thể. Ngoài nước lọc, mẹ bầu nên dùng thêm sữa ít béo, nước ép trái cây (không nên pha thêm đường).
3.5. Thay đổi loại thuốc sắt đang dùng theo hướng của bác sĩ
Hầu hết phụ nữ mang bầu đều phải bổ sung sắt. Tuy nhiên, các loại thuốc sắt lại thường là nguyên nhân gây táo bón, khó tiêu. Trường hợp nghi ngờ loại thuốc sắt đang sử dụng không phù hợp, bạn nên trao đổi với bác sĩ để đổi loại viên sắt khác.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến nghị mẹ bầu tạm ngưng bổ sung sắt trong một thời gian, hoặc bổ sung vitamin với hàm lượng sắt không quá cao.
Nguồn: medlatec