Giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng chế độ ăn lành mạnh
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư khá phổ biến trên thế giới. Nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả khả năng phát triển một số bệnh ung thư.
Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư thường gặp. Ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ rệt mà chỉ được phát hiện bằng các xét nghiệm.
Các bác sĩ có thể chẩn đoán ung thư cổ tử cung khi khám sức khỏe định kỳ như phết tế bào cổ tử cung và xét nghiệm HPV.
Có tới 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV) gây ra. Các yếu tố khác ảnh hưởng tới sự tiến triển của HPV thành ung thư cổ tử cung bao gồm hút thuốc lá, tiếp xúc với chất độc môi trường, nhiễm các bệnh lây truyền qua tình dục như HIV, bệnh lậu … và chế độ ăn uống, dinh dưỡng.
Theo BSCKI Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, 2 biện pháp quan trọng nhất mà bạn có thể làm để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả là tiêm phòng HPV và tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên để phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa bệnh khác cũng được nhắc đến là quan hệ tình dục an toàn, điều chỉnh lối sống và sinh hoạt, tập luyện thể dục đều đặn, tuân thủ chế độ ăn lành mạnh giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và ngăn chặn tế bào ung thư xuất hiện.
1. Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và ung thư cổ tử cung
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự tiến triển của nhiễm trùng HPV và sự phát triển của ung thư cổ tử cung. Trên thực tế, dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp tối ưu hóa hệ thống miễn dịch, từ đó ngăn ngừa sự phát triển của HPV và giúp nâng đỡ thể trạng, trống chọi với cuộc chiến với bệnh ung thư nếu không may mắc phải.
Nghiên cứu về vai trò của chế độ ăn uống và dinh dưỡng trong việc ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung đã tập trung vào các chất dinh dưỡng chống oxy hóa và chế độ ăn. Kết luận của nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn tốt, tăng nguy cơ gây viêm, từ đó phát triển thành ung thư.
Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo không lành mạnh, quá nhiều đường và muối có khả năng gây viêm nhiễm cao và liên quan đến sự phát triển của ung thư cổ tử cung, đặc biệt ở những phụ nữ bị nhiễm HPV và lối sống ít vận động.
Lý giải cho điều này, các nhà khoa học cho rằng chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa khiến cho việc kiểm soát nhiễm trùng do HPV trở nên khó khăn hơn. Nhiễm HPV dai dẳng dẫn đến sự phát triển của ung thư cổ tử cung.
Một chế độ ăn lành mạnh gồm nhiều chất chống oxy hóa như carotenoid, lutein, zeaxanthin, beta carotene, vitamin C, E và A có thể ngăn chặn sự phát triển của ung thư cổ tử cung, đặc biệt ở những người hút thuốc lá. Hơn nữa, các chất dinh dưỡng như folate, vitamin D và lycopene giúp giảm nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung.
2. Thực phẩm tốt giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung
Nghiên cứu trên gần 300.000 phụ nữ cho thấy rằng, những phụ nữ tăng cường ăn nhiều trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Tăng khoảng 100g rau xanh hoặc trái cây mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Các loại thực phẩm tốt nên ăn hàng ngày như:
- Trái cây và rau quả: nên ăn phong phú nhiều loại với đa dạng màu sắc và kết cấu.
- Carbs phức hợp: chẳng hạn như gạo nguyên hạt, mì ống, bánh mì, và rượu vang,…
- Quả hạch, các loại hạt và dầu ôliu chứa chất béo không bão hòa lành mạnh, để thay thế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
- Thảo mộc và gia vị: ví dụ như hành và tỏi chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt.
- Sữa tách béo và các sản phẩm từ sữa tách béo như pho mát và sữa chua,…
- Các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu nành, đậu đen và đậu đỏ.
3. Các thực phẩm cần tránh
Cần tránh hoặc hạn chế những thực phẩm có khả năng gây viêm cao có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Thói quen sử dụng thức ăn nhanh của nhiều người, đặc trưng bởi các loại thực phẩm chế biến sẵn ít có chất xơ và nhiều đường bổ sung, làm tăng tình trạng viêm và liên quan đến sự phát triển của bệnh ung thư.
Do đó, những thực phẩm cần hạn chế bao gồm:
- Thực phẩm nhiều đường bổ sung;
- Thịt chế biến như thịt nguội;
- Thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn và thịt một số động vật có vú khác;
- Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Một nghiên cứu kéo dài 10 năm ở hơn 100.000 người đã cho thấy, việc tiêu thụ quá nhiều đường từ đồ uống có đường, món tráng miệng từ sữa và đường làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư. Ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh, tiêu thụ từ trên 100g đến 200g thức ăn nhanh mỗi ngày có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung.
Nên hạn chế ăn thức ăn động vật và các nguồn chất béo bão hòa và chuyển hóa được sản xuất công nghiệp, có thể thúc đẩy sự phát triển của khối u ung thư. Hạn chế thực phẩm dễ gây viêm nhiễm và tăng cường rau quả, những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.
BSCKI Hoàng Trọng Điểm lưu ý, cần thực hiện quan hệ tình dục an toàn. Không nên quan hệ tình dục quá sớm, quan hệ với nhiều bạn tình. Giữ vệ sinh âm đạo, nhất là sau khi sinh hoạt tình dục. Nếu có viêm nhiễm phụ khoa cần đi khám và điều trị dứt điểm.
Khi bạn phát hiện mắc ung thư cổ tử cung, không nên thay thế việc can thiệp và điều trị y tế bằng các biện pháp tự nhiên tại nhà để kiểm soát bệnh. Tham khảo ý kiến của đội ngũ y tế chuyên khoa ung thư để có những lựa chọn điều trị tốt nhất.