Khoai củ với phòng chống thừa cân, béo phì
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thừa cân – béo phì là do ăn uống dư thừa năng lượng. Giải pháp phòng chống thừa cân – béo phì là thay đổi chế độ ăn để đảm bảo năng lượng đưa vào không quá năng lượng tiêu hao. Nhưng thực tế với những người thừa cân – béo phì việc giảm bớt khẩu phần ăn hàng ngày thật sự không dễ. Với thói quen ăn nhiều, ăn ngon miệng, ăn thật no nay nếu giảm lượng ăn sẽ gây cảm giác đói cồn cào, rất thèm ăn và khó chịu. Nếu không có quyết tâm và nghị lực nhiều người sẽ không thực hiện được chế độ ăn giảm béo. Khoai củ ngoài việc có thể sử dụng như lương thực trong bữa ăn hàng ngày còn có vai trò phòng chống thừa cân – béo phì.
Khoai củ có đặc điểm chung là chứa nhiều nước và tinh bột. So với gạo thì lượng tinh bột trong khoai củ thấp hơn, lượng đạm thấp hơn, lượng chất béo rất thấp và năng lượng cung cấp cũng thấp hơn nhưng thành phần xơ và một số vitamin, chất khoáng lại cao hơn.
Về giá trị dinh dưỡng, khoai củ là nhóm thực phẩm có nhiều glucid (nhưng thấp hơn gạo), lượng protid trong khoai củ thấp và không cân đối, năng lượng do khoai củ cung cấp nhìn chung chỉ bằng 1/3 so với cơm gạo, do vậy là thức ăn thích hợp cho người thừa cân. Với mục đích là giảm bớt năng lượng trong khẩu phần nhưng vẫn không bị cảm giác đói cồn cào gây khó chịu. Bữa ăn hàng ngày chỉ cần thay thế 1 – 2 bát cơm bằng 1 – 2 bát khoai củ dưới dạng luộc, hấp, nướng hoặc nấu canh là năng lượng đưa vào đã giảm đi khoảng 20 – 25% mà thể tích lượng thức ăn đưa vào dạ dày không giảm, không gây khoảng trống trong dạ dày dẫn đến cảm giác đói. Với người thừa cân – béo phì hoặc có xu hướng thừa cân – béo phì thì việc thay thế một phần cơm gạo bằng khoai củ sẽ giúp giảm dần một lượng năng lượng thích hợp nhập vào cơ thể nhưng không gây xáo trộn nhiều đối với thói quen ăn uống của đối tượng. Mặt khác khoai củ thường ở dạng nguyên vẹn chưa qua chế biến nên sẽ còn giữ được hàm lượng vitamin và một số muối khoáng là thành phần có tính chất bảo vệ đối với cơ thể và tốt cho tim mạch. Trong các loại khoai củ hàm lượng vitamin C cao hơn hẳn so với cơm gạo. Trong khoai lang hàm lượng caroten khá cao (gạo không có), khoai tây có nhiều kali hơn cả gạo và các loại khoai củ khác và hàm lượng vitamin nhóm B khá cao (tương đương với gạo).
Khoai củ còn có hàm lượng chất xơ rất tốt, cấu trúc của chất xơ trong khoai củ mịn màng còn có tác dụng kích thích mạnh sự bài tiết dịch ruột và tăng nhu động ruột để tránh táo bón và tăng đào thải cholesterol và các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên với khẩu phần ăn phòng chống thừa cân – béo phì cùng với việc giảm năng lượng đưa vào, cần đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng. Do vậy bữa ăn nên giảm cơm và thay thế bằng khoai củ nhưng vẫn phải đi kèm với thức ăn giàu protid, tăng cường rau quả tươi để có khẩu phần cân đối.
Trước đây trong những năm chiến tranh và sau chiến tranh lương thực thiếu thốn, khoai củ được coi là dạng lương thực phổ biến cho người dân ở nhiều địa phương và người dân rất coi trọng vai trò của chúng. Trong những năm gần đây, cùng với cơ chế kinh tế thị trường, đời sống của người dân đã được cải thiện, thóc gạo đã sản xuất được nhiều hơn, người dân không phải ăn độn khoai sắn nữa. Nhưng đừng vì thế mà chúng ta quên đi những đóng góp của chúng với bữa ăn và sức khỏe của mọi người. Tục ngữ có câu “Được mùa chớ phụ ngô khoai”, câu tục ngữ này vẫn luôn đúng vì ngô khoai vẫn là những thức ăn quen thuộc và giúp cơ thể giữ được sự cân đối, hạn chế xu hướng dư cân và béo phì.
Nguồn: Viện dinh dưỡng quốc gia