Nhịn ăn, kiêng khem quá mức: Sai lầm của bệnh nhân tiểu đường
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, với sự tăng đường máu quá mức do thiếu hụt Insulin gây ra. Chế độ dinh dưỡng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị và duy trì đường huyết ổn định. Song không phải nhịn ăn, kiêng khem là tốt với bệnh nhân tiểu đường.
1. Vai trò của chế độ dinh dưỡng trong bệnh tiểu đường
Đái tháo đường là 1 trong ba bệnh song hành với tuổi già, cùng với Bệnh tim mạch và ung thư. Bệnh đái tháo đường gây nên một loạt rối loạn về chuyển hoá trong cơ thể, trước hết là rối loạn chuyển hoá glucid làm tăng glucose máu, dẫn tới xuất hiện glucose trong nước tiểu.
Rối loạn chuyển hoá glucid kéo theo các rối loạn chuyển hoá lipid, protid, các chất điện giải, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt có thể dẫn tới hôn mê và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Tỷ lệ đái tháo đường đang ngày càng gia tăng trên thế giới và Việt Nam. Theo số liệu năm 2002 của Bệnh viện Nội tiết, tỷ lệ đái tháo đường ở 4 thành phố lớn nước ta (Thành phố HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) là 4,1%.
Điều trị tiểu đường là quá trình lâu dài, khổ cực, trong đó chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng.
Cụ thể, ăn uống hợp lý giúp bệnh nhân tiểu đường:
Duy trì sức khỏe, tránh bị thiểu dưỡng do ăn uống kiêng khem
Thực tế nhiều bệnh nhân khi bị tiểu đường rất sợ ăn, nên kiêng khem nhiều, không dám ăn nhiều loại thực phẩm, vừa làm cho cơ thể thiếu dinh dưỡng vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà hiệu quả điều trị không cao. Dưới đây là những sai lầm khi nhịn ăn, kiêng khem quá mức của người bệnh tiểu đường:
Tránh tăng đường huyết quá mức
Người bệnh không biết chọn thực phẩm, ăn cơm ít nhưng lại ăn nhiều miến, khoai củ... thì mức đường huyết vẫn không thể giảm. Tất cả là do người bệnh thiếu kiến thức về lượng dinh dưỡng trong từng loại thực phẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị bệnh.
Hạn chế sử dụng thuốc
Nếu bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng đúng sẽ giúp điều chỉnh glucose máu không tăng thêm, cũng hạn chế phải dùng thêm thuốc hoặc có thể không phải dùng thuốc.
Hạn chế các biến chứng
Chế độ ăn hạn chế glucose góp phần hạn chế xảy ra các biến chứng nguy hiểm bởi lượng glucose máu quá cao rất dễ gây các biến chứng cấp tính.
Vai trò của chế độ dinh dưỡng trong Tiểu đường lâm sàng dù không đủ để khống chế lượng đường huyết mà vẫn phải tích cực dùng thuốc và chế độ vận động hợp lý kèm theo. Song nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì riêng thuốc vẫn không đủ để điều trị.
Do đó có thể nói, chế độ ăn là 1 trong 3 yếu tố quyết định hiệu quả điều trị tiểu đường, cùng với sử dụng thuốc điều trị và hoạt động thể lực hợp lý.