Tất cả những điều cần biết về Cholesterol
Cholesterol là một loại chất béo (lipid). Bình thường cholesterol được gan sản xuất ra, là thành phần không thể thiếu để tạo nên màng tế bào, một số loại nội tiết tố và vitamin D.
1. Cholesterol là gì?
Cholesterol là chất béo, không tan trong nước, nó được vận chuyển trong máu nhờ lipoprotein được sản xuất từ gan. Cholesterol gắn với hai loại lipoprotein chính, hình thành nên cholesterol gắn với lipoprotein tỉ trọng thấp (low density lipoprotein cholesterol - LDL cholesterol) và cholesterol gắn với lipoprotein tỉ trọng cao (high density lipoprotein cholesterol - HDL cholesterol).
1.1. Cholesterol gắn với lipoprotein tỉ trọng thấp (low density lipoprotein cholesterol - LDL cholesterol) là gì?
LDL cholesterol thường được gọi là “cholesterol xấu”, bởi LDL mang cholesterol tới các mạch máu. Nếu nồng độ LDL cholesterol trong máu quá cao, lắng đọng lại trong thành mạch máu, tạo thành các mảng vữa xơ mạch máu, làm hẹp lòng mạch, hạn chế dòng chảy của máu, làm tăng nguy cơ tạo thành cục máu đông (có thể gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ).
1.2. Cholesterol gắn với lipoprotein tỉ trọng cao (high density lipoprotein cholesterol - HDL cholesterol)
HDL cholesterol là cholesterol tốt, bởi HDL giúp đưa cholesterol quay trở lại gan để loại bỏ khỏi cơ thể, giúp giảm hình thành vữa xơ mạch máu. Do đó nếu có nồng độ HDL cholesterol cao sẽ làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, từ đó giảm các biến chứng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
1.3. Triglyceride là gì?
Triglyceride cũng là một loại chất béo nhưng có vai trò khác với cholesterol. Cơ thể sử dụng cholesterol để làm nguyên liệu hình thành nên tế bào và nội tiết tố, còn triglyceride được cơ thể sử dụng để tạo năng lượng.
Nếu cơ thể nhận được nhiều năng lượng hơn so với mức cần thiết, phần năng lượng dư thừa sẽ được chuyển thành triglyceride dự trữ trong tế bào mỡ. Nếu nồng độ triglyceride cao sẽ làm gia tăng nguy cơ của nhiều vấn đề sức khỏe.
2. Hãy kiểm tra định kì nồng độ cholesterol máu
Nồng độ cholesterol máu cao thường không biểu hiện triệu chứng, do đó nên kiểm tra định kì. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kì, những người từ 20 tuổi trở lên nên làm xét nghiệm nồng độ cholesterol 4 - 6 năm/lần. Nếu có tiền sử cholesterol cao hoặc có yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch thì nên kiểm tra nồng độ cholesterol thường xuyên hơn.
Nồng độ cholesterol máu bao gồm ba chỉ số: cholesterol toàn phần, HDL cholesterol, và LDL cholesterol.
3. Khuyến cáo mới về nồng độ cholesterol bình thường
Cholesterol là thành phần cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên nếu nồng độ LDL cholesterol quá cao sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Năm 2013, Đại học Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo mới trong việc điều trị nồng độ cholesterol cao. Theo khuyến cáo mới, việc điều trị không chỉ dựa trên nồng độ cholesterol mà còn dựa trên cả các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Những yếu tố nguy cơ này bao gồm cả bệnh đái tháo đường và nguy cơ ước đoán xảy ra biến cố tim mạch trong 10 năm (như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ). Như vậy nồng độ cholesterol bình thường giờ đây thay đổi phụ thuộc cả vào việc có các yếu tố nguy cơ tim mạch hay không, chứ không còn chỉ là một giới hạn hằng định như trước.
Khuyến cáo mới khuyến nghị, nếu không có kèm theo các yếu tố nguy cơ tim mạch, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị nếu nồng độ LDL cholesterol lớn hơn 189 mg/dL.
Tuy khuyến cáo mới đã làm thay đổi nhận định về nồng độ cholesterol bình thường ở người trưởng thành, nhưng đối với trẻ em và thanh thiếu niên, Viện quốc gia về tim, phổi và máu vẫn phân loại các mức nồng độ cholesterol như sau (đơn vị: mg/dL):
Cholesterol toàn phần | HDL cholesterol | LDL cholesterol | |
---|---|---|---|
Tối ưu | < 170 | > 45 | < 110 |
Giới hạn | 170 - 199 | 40 - 45 | 110 - 129 |
Cao | > 199 | > 130 | |
Thấp | < 40 |
4. Các triệu chứng của cholesterol cao
Đa số trường hợp có nồng độ cholesterol cao sẽ không biểu hiện triệu chứng gì, do đó rất nhiều người không phát hiện ra cho đến khi xảy ra các biến chứng như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Vì thế nên tiến hành kiểm tra nồng độ cholesterol định kì.
5. Nguyên nhân gây ra nồng độ cholesterol cao
Ăn quá nhiều đồ ăn chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo dạng trans làm tăng nguy cơ bị cholesterol cao. Một số yếu tố về lối sống cũng làm nồng độ cholesterol cao như lười vận động, lạm dụng rượu bia và hút thuốc lá.
Di truyền cũng đóng một vai trò nhất định. Nếu cha mẹ bị cholesterol cao thì con cái cũng sẽ dễ bị như vậy. Một số rối loạn di truyền mang tính gia đình cũng gây ảnh hưởng tới nồng độ cholesterol.
Một số vấn đề sức khỏe khác, như đái tháo đường hay thiểu năng giáp trạng cũng có thể làm tăng nguy cơ bị cholesterol cao cùng các biến chứng liên quan.
6. Các yếu tố nguy cơ của cholesterol cao
Những trường hợp sau đây sẽ đối mặt với nguy cơ cao hơn mắc cholesterol cao:
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Chế độ ăn không lành mạnh.
- Không luyện tập thể dục thường xuyên.
- Hút thuốc lá.
- Tiền sử gia đình mắc cholesterol cao.
- Đái tháo đường, bệnh thận, hoặc thiểu năng giáp trạng.
7. Biến chứng của cholesterol cao
Nếu không được điều trị, nồng độ cholesterol cao có thể gây vữa xơ mạch máu, làm hẹp lòng mạch, hạn chế dòng chảy của máu, gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, thậm chí các biến chứng có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân như:
- Đột quỵ.
- Nhồi máu cơ tim.
- Đau ngực.
- Tăng huyết áp.
- Bệnh động mạch ngoại biên.
- Bệnh thận mạn.
8. Làm thế nào để phòng tránh nồng độ cholesterol cao?
Để phòng tránh nồng độ cholesterol cao nên thực hiện chế độ ăn lành mạnh và thay đổi lối sống.
Các thức ăn tốt nên ăn là:
- Các nguồn protein tốt từ thịt nạc (thịt gà, cá,...).
- Thức ăn chứa nhiều chất xơ như: hoa quả, rau xanh, và ngũ cốc nguyên hạt.
- Các thức ăn được chế biến bằng phương pháp nướng, hấp, luộc,... thay vì chiên xào.
Các thức ăn nên hạn chế ăn là:
- Thịt đỏ, nội tạng động vật, các thực phẩm từ sữa chứa nhiều chất béo.
- Các thực phẩm chế biến chứa bơ ca cao, dầu cọ, dầu dừa.
- Các đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán như: khoai tây chiên, hành vòng, gà rán,...
- Các thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo dạng trans.
Thực hiện và duy trì lối sống lành mạnh:
- Hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn.
- Không hút thuốc lá.
- Duy trì cân nặng hợp lí.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
Bài viết tham khảo nguồn: Healthline.com