Giúp bé làm quen với thức ăn đặc trong thời kỳ ăn dặm
Giúp bé làm quen với thức ăn đặc trong thời kỳ ăn dặm là việc rất quan trọng để dạy bé học ăn, hỗ trợ răng và hàm phát triển. Bên canh đó, quá trình này còn là bước đầu hình thành các kỹ năng khác mà bé cần sau này, ví dụ như sử dụng ngôn ngữ.
1. Thời điểm bé sẵn sàng làm quen với thức ăn đặc
Trong vòng 6 tháng đầu đời, bé sử dụng lượng sắt dự trữ trong cơ thể từ khi còn là bào thai, kết hợp với hấp thụ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trẻ càng lớn thì chất sắt dự trữ càng giảm, trong khi đó nhu cầu năng lượng lại tăng. Vì vậy con cần bổ sung thêm sắt và các chất dinh dưỡng khác từ thức ăn đặc bên cạnh sữa. Giúp con trẻ làm quen với thức ăn dặm là bước đầu trong quá trình dạy bé học ăn, mang lại trải nghiệm thú vị về những mùi hương mới từ đa dạng loại thức ăn, đồng thời giúp răng và hàm phát triển, cũng như hỗ trợ các kỹ năng cần thiết sau này.
Để nhận biết thời điểm thích hợp bổ sung thức ăn đặc cho trẻ, phụ huynh có thể dựa vào những dấu hiệu về sự phát triển của và hành vi của bé như sau:
- Đầu và cổ đã cứng cáp, có thể ngồi thẳng nếu được hỗ trợ;
- Tỏ vẻ hứng thú với thức ăn, chẳng hạn chăm chú nhìn vào đĩa của bố mẹ;
- Với và sờ tay vào đồ ăn;
- Thích đưa thứ đồ vật vào miệng, bắt đầu nhai và dịch chuyển hàm lên xuống;
- Lưỡi có khả năng điều chỉnh tốt hơn để di chuyển thức ăn trong miệng;
- Tự há miệng khi được đút ăn bằng thìa.
Mỗi đứa trẻ sẽ có những biểu hiện như trên vào từng thời điểm khác nhau, song nhìn chung là trong khoảng 6 tháng tuổi. Đây cũng là giai đoạn bé sẽ bộc lộ dấu hiệu bị dị ứng thức ăn nếu có, đặc biệt là trẻ mắc bệnh chàm hoặc gia đình có tiền sử dị ứng. Ngoài ra, việc cung cấp thức ăn đặc cho trẻ quá sớm (trước 4 tháng tuổi) hoặc quá muộn cũng làm tăng nguy cơ không dung nạp thực phẩm. Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa nếu có thắc mắc hoặc nghi ngờ các dấu hiệu bất thường.
2. Giúp bé làm quen với thức ăn đặc
2.1. Các dấu hiệu đói - no
Điều quan trọng trong lần đầu tiên tập cho bé ăn chính là tạo tâm lý vui vẻ thoải mái cho cả mẹ lẫn con. Bé sẽ thích ăn thêm sau khi bú sữa nếu đang thực sự đói bụng và cần được thỏa mãn. Mẹ có thể yên tâm vì dạ dày bé nhỏ của con vẫn có chỗ để thử thức ăn mới khi vừa bú xong. Dần dần, mẹ sẽ nhận biết được khi nào con đói hay no, hứng thú hoặc mệt mỏi.
Dấu hiệu cho thấy trẻ đang đói:
- Tỏ ra phấn khích lúc trông thấy thức ăn;
- Nhoài người về phía đĩa thức ăn của bố mẹ khi ngồi trên ghế;
- Há miệng to khi được đút thức ăn đặc cho trẻ.
Dấu hiệu cho thấy bé không có hứng thú:
- Quay đầu sang chỗ khác;
- Phân tán sự chú ý qua những thứ khác;
- Đẩy thìa ra;
- Mím chặt môi.
2.2. Dạng thức ăn
Từ lỏng đến đặc dần
Bé ăn dặm có thể bắt đầu với thức ăn xay mịn, tăng dần độ nhám rồi chuyển sang nghiền hoặc thức ăn mềm cắt khúc nhỏ trong vòng vài tuần. Ngoài chọn các loại thức ăn phù hợp với khẩu vị của bé, mẹ cũng nên chế biến thực phẩm từ lỏng mịn đến nhám đặc, có nhiều cục hơn để giúp bé nhai và phát triển cơ miệng, phục vụ cho kỹ năng nói sau này.
Thay đổi đa dạng
Thông thường, tất cả những món mới đều hấp dẫn với bé ăn dặm, vì thế mẹ không cần chuẩn bị 1 món đặc biệt nhất định nào mà cứ thay đổi đa dạng. Tốt nhất nên bắt đầu với thực phẩm giàu sắt, ví dụ như ngũ cốc dành cho trẻ nhỏ, rau nấu chín, thịt lợn hay gà băm, cá nghiền, đậu nghiền...
Kết hợp hoặc riêng lẻ
Mẹ cũng có thể kết hợp nhiều loại thức ăn cùng nhau theo công thức được chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị. Tuy nhiên ở những gia đình có tiền sử dị ứng thì nên thận trọng tập cho bé ăn dặm từng món một. Làm như vậy sẽ nhận biết được loại thức ăn đặc nào bé bị dị ứng hoặc không hợp khẩu vị.
Khuyến khích bé tự ăn
Nên ưu tiên chuẩn bị nhiều loại đồ ăn mà bé có thể cầm bằng tay, ví dụ như rau củ nấu chín cắt thành miếng nhỏ, mẩu bánh mì mềm, bánh mì nướng... để khuyến khích bé tự bốc ăn và tập nhai. Tuy nhiên cũng không ăn cho bé ăn thức ăn đặc quá vội mà hãy tập làm quen với những loại thực phẩm này dần dần đến khi trẻ được 8 tháng.
Một số loại dinh dưỡng ăn dặm cho trẻ được các chuyên gia dinh dưỡng Nhi gợi ý là:
- Các loại rau củ quả, như: Khoai tây, cà rốt, đậu chuối, táo, dưa hấu, bơ;
- Lúa mì, yến mạch, bánh mì và mì sợi;
- Thức ăn có bơ sữa, như: Sữa chua và phô mai giàu chất béo;
- Thêm dầu, mỡ hoặc vừng (mè), lạc (đậu phộng) vào thức ăn đặc khi chế biến;
- Trứng chín (không phải trứng sống hay lòng đào).
Ngoài ra, bé ăn dặm vẫn cần được bú mẹ hoặc sữa công thức. Nên cho trẻ bú càng nhiều càng tốt ít nhất là cho đến khi đủ 12 tháng tuổi.
3. Những lưu ý khi bé ăn dặm
Bắt đầu từ sau 6 tháng tuổi, sữa mẹ không còn đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển toàn vẹn của trẻ, do đó việc tập cho bé ăn dặm bổ sung là rất cần thiết. Phụ huynh nên ghi nhớ một số lưu ý sau đây:
- Để bé ngồi vào ghế ăn cao dành riêng cho trẻ vào mỗi giờ ăn;
- Trải báo hoặc tấm nilon ở dưới ghế ăn của bé và chuẩn bị một cái khăn lau chùi;
- Đưa bé thìa nhựa để tự xúc ăn;
- Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo thời gian;
- Quan sát dấu hiệu đói hay đã no, ngon miệng hay không hứng thú với thức ăn đặc cho trẻ;
- Không cho bé dưới 12 tháng tuổi uống các loại nước khác ngoài trừ sữa và nước đun sôi kỹ để nguội;
- Không cho trẻ ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn;
- Ngồi cạnh bé trong khi ăn, trò chuyện, giới thiệu với con về đồ ăn đang dùng;
- Không thêm muối và đường vào thức ăn đặc cho trẻ để tránh tạo thói quen cần gia vị và chán ăn nhạt của con. Có thể nêm phô mai vào bột/cháo cho trẻ để tăng cường vị mặn, béo mà không dẫn đến thừa natri;
- Kiên nhẫn với "bãi chiến trường" khi để bé tự ăn dặm, khuyến khích con tự khám phá và học hỏi kỹ năng ăn;
- Không để trẻ dưới 3 tuổi ăn những thức ăn cứng như cà rốt sống, các loại hạt, thịt hoặc cá có nhiều xương nhỏ;
- Luôn giám sát bé để kịp thời ứng phó với hiện tượng sặc thức ăn.
Tóm lại từ khoảng 6 tháng tuổi trở đi, sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ không cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng để trẻ tiếp tục phát triển toàn diện. Đây chính là thời điểm bố mẹ cần giúp bé bù đắp năng lượng thiếu hụt bằng cách làm quen với thức ăn đặc. Thức ăn đặc cho trẻ phải là các loại thực phẩm giàu dưỡng chất, dễ nuốt, dễ tiêu hóa để bổ sung bên cạnh sữa mẹ, chứ không thay thế hoàn toàn sữa mẹ.