Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
1. Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì?
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) thể hiện ở các dấu hiệu:
- Bệnh nhân có gan nhiễm mỡ trên mô học hoặc trên chẩn đoán hình ảnh (siêu âm bụng, CT scan, MRI...).
- Thường kèm theo những yếu tố như béo phì, đái tháo đường loại 2, rối loạn mỡ máu.
- Không có nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ thứ phát khác như uống rượu bia, nhiễm viêm gan siêu vi C, bệnh Wilson, loạn dưỡng mỡ, thiếu ăn, dinh dưỡng ngoài đường miệng kéo dài, do dùng các loại thuốc (amiodarone, methotrexate, tamoxifen, corticosteroids, valproate, anti-retroviral.... ), gan nhiễm mỡ cấp ở phụ nữ có thai, khiếm khuyết chuyển hóa bẩm sinh.
2. Đối tượng nguy cơ của gan nhiễm mỡ không do rượu
Đối tượng dễ mắc NAFLD thường bao gồm nhóm người bị béo phì, tiểu đường tuýp 2, rối loạn mỡ máu, hội chứng chuyển hóa, hội chứng buồng trứng đa nang, suy giáp, hội chứng ngưng thở khi ngủ, suy tuyến yên, suy tuyến sinh dục, cắt tá tràng tụy.
Những người bị rối loạn mỡ máu: tỉ lệ phân tử mỡ (triglyceride) trong máu cao, HDL cholesterol máu thấp cũng dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Tỷ lệ NAFLD trong nhóm bệnh nhân rối loạn mỡ máu chiếm khoảng 59%
Tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và mức độ bệnh gan tăng theo tuổi, nguy cơ mắc NAFLD ở nam giới cao gấp 2 lần nữ giới, bệnh cũng khác nhau giữa các sắc tộc. Điều này được giải thích do dự khác biệt về yếu tố gien.
3. Diễn tiến tự nhiên và dự hậu của bệnh gan nhiễm mỡ nhiễm mỡ không do rượu
Trong 2 thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu về diễn tiến tự nhiên của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Đối với những bệnh nhân đã diễn tiến qua viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), đặc biệt là xơ hóa gan (Fibrosis) thì có tăng nguy cơ cao hơn về xơ gan (cirrhosis), tỉ lệ tử vong do bệnh gan.
Hiện nay, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng men gan. Tỷ lệ bệnh NAFLD ở châu Âu chiếm khoảng 35%, ở châu A khoảng 25%.
Khoảng 15 - 30% dân số mắc bệnh NAFLD, có đến 12 - 40% trong nhóm bệnh nhân này sẽ diễn tiến tới viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), và khoảng 15 - 25% bệnh nhân NASH sẽ diễn tiến đến xơ gan, khoảng 7% trong nhóm bệnh nhân xơ gan sẽ tiến triển tới ung thư gan.
4. Những ai cần sàng lọc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu?
- Tất cả những cá nhân có tăng men gan kéo dài, nên sàng lọc về bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, vì đây là nguyên nhân nhân phổ biến của tăng men gan không giải thích được.
- Những cá nhân bị béo phì: Theo dõi bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là bắt buộc, bởi vì béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và cũng làm tăng nguy cơ bệnh tiến triển.
- Những cá nhân bị đái tháo đường type 2: sàng lọc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là bắt buộc, bất kể nồng độ men gan, bởi vì trên đối tượng bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao về tiến triển bệnh.
- Cá nhân bị rối loạn mỡ máu, hội chứng chuyển hóa.
5. Cần làm gì để chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu?
5.1. Để đánh giá gan nhiễm mỡ
- Gan nhiễm mỡ nên được xác định bằng siêu âm bụng, bởi vì siêu âm có sẵn rộng rãi và siêu âm bụng còn phát hiện thêm các thông tin về gan mật. Vì vậy siêu âm bụng là chẩn đoán hình ảnh đầu tiên phải thực hiện trên bệnh nhân bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác là controlled attenuation parameter (CAP) để chẩn đoán gan nhiễm mỡ: Kỹ thuật này có thể xác định mức độ nhiễm mỡ.
- Các chỉ số đánh giá gan nhiễm mỡ tốt nhất bao gồm: FLI ((Fatty liver index), SteatoTest và NAFLD liver fat score.
5.2. Để đánh giá viêm gan nhiễm mỡ không do rượu
- Bệnh nhân bị viêm gan nhiễm mỡ không do rượu có tăng nguy cơ về tiến triển xơ hóa gan, xơ gan và có thể ung thư gan. Những bệnh nhân này cần theo dõi sát và cần điều trị tích cực hơn.
- Các dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm hóa sinh, chẩn đoán hình ảnh không thể phân biệt được viêm gan nhiễm mỡ không do rượu và gan nhiễm mỡ đơn thuần.
- Chẩn đoán xác định viêm gan nhiễm mỡ không do rượu bằng sinh thiết gan.
5.3. Để đánh giá xơ hóa gan (Fibrosis):
- Xơ hóa gan là một yếu tố tiên lượng quan trọng trên bệnh nhân bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Xơ hóa gan có tương quan với dự hậu và tỉ lệ tử vong do bệnh gan. Cần theo dõi sát tiến triển xơ hóa gan.
- Các thang điểm đánh giá mức độ xơ hóa gan bao gồm: NFS ((NAFLD fibrosis score, FIB-4 (Fibrosis 4), ELF (Enhanced Liver Fibrosis) và FibroTest. NFS có thể phân biệt được có xơ hóa gan nặng và không có xơ hóa gan nặng.
- Để đánh giá xơ hóa gan, tiêu chuẩn vàng là dùng kỹ thuật sinh thiết gan, nhưng đây là kỹ thuật xâm lấn.
- Đánh giá xơ hóa gan bằng kỹ thuật đo độ đàn hồi gan trên siêu âm, là kỹ thuật không xâm lấn, dùng để xác định các trường hợp nguy cơ thấp xơ hóa gan nặng và xơ gan.
- Sự phối hợp các dấu ấn sinh học, chỉ số đánh giá xơ hóa gan , đo độ đàn hồi gan có thể làm tăng độ chính xác cho chẩn đoán, và tránh làm sinh thiết gan.
- Theo dõi diễn tiến xơ hóa gan trong thực hành lâm sàng có thể dựa vào sự phối hợp các dấu ấn sinh học, chỉ số đánh giá xơ hóa gan và đo độ đàn hồi gan.
6. Cần làm gì khi bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu?
- Nếu bệnh nhân chỉ bị gan nhiễm mỡ đơn thuần, không có viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, không có xơ hóa gan thì cần có chế độ ăn lành mạnh và hoạt động thể lực, chưa cần điều trị thuốc.
- Đối với bệnh nhân nhân bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, dư cân, béo phì, giảm 7-10 % cân nặng là mục tiêu điều trị, làm giảm men gan và cải thiện mô học gan.
- Các khuyến cáo về chế độ ăn: nên xem xét hạn chế năng lượng và loại bỏ các thành phần thức ăn thúc đẩy bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (Thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh, thực phẩm và đồ uống có hàm lượng fructose cao). Tăng cường lượng rau, trái cây (mỗi ngày nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi).
- Ưu tiên chọn dầu thực vật (trừ dầu dừa), hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá). Một số thức ăn được xem là “thuốc” có tác dụng “giảm mỡ” tốt như: dầu đậu nành, đậu hà lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, tỏi, bắp chuối (bông chuối)...; trái cây nên lưu ý chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín... trà xanh, hoa hòe... Hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol như mỡ động vật, các loại đồ lòng, phủ tạng, da...động vật, lòng đỏ trứng, não gan gia súc...
- Lựa chọn môn thể dục nào tùy thuộc sở thích của bệnh nhân và có thể duy trì lâu dài được.
- Khám định kỳ chuyên khoa gan để được theo dõi, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp kịp thời.
- Điều trị thuốc đối với bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, đặc biệt đối với bệnh nhân xơ hóa gan đáng kể (> F2). Đối với những bệnh nhân không có các tình trạng trên, nhưng có nguy cơ cao của bệnh tiến triển (Đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, tăng men gan dai dẵng, viêm hoại tử cao) có thể điều trị thuốc để ngăn ngừa bệnh tiến triển.