Vai trò của protein với cơ thể
21.02.22
/
/
bình luận
Protein là một trong các nhóm chất để duy trì sự sống. Protein được tạo thành từ các axit amin và đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Chất dinh dưỡng này gần như tham gia vào hầu hết các chức năng của tế bào. Tác dụng của protein với cơ thể là gì?
1. Giúp tăng trưởng và duy trì các mô
Protein rất cần thiết trong quá trình tăng trưởng và duy trì các mô. Nhưng dưỡng chất này có thể thay đổi trạng thái liên tục. Thông thường, để xây dựng và sửa chữa các mô, cơ thể sẽ phá vỡ một lượng protein nhất định. Nhưng trong một vài trường hợp lượng chất này sẽ cần nhiều hơn mức bình thường. Cụ thể, những người lớn tuổi, hay vận động viên thể thao, những người có bệnh, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, những trường hợp sau phẫu thuật hoặc sau chấn thương cũng cần phải bổ sung protein nhiều hơn người bình thường để nhanh hồi phục.
2. Protein hỗ trợ truyền tín hiệu giữa các tế bào
Đóng vai trò là kích thích tố, có nhiệm vụ hỗ trợ các giao tiếp giữa các mô với cơ quan và hỗ trợ giao tiếp giữa các tế bào. Cụ thể, các mô hoặc các tuyến nội tiết tạo ra nội tiết tố. Tiếp đó nội tiết tố (hormone) sẽ được vận chuyển theo đường máu đến các mô và liên kết với những protein trên bề mặt tế bào.
3. Tạo phản ứng sinh hóa
Protein cũng có nhiệm vụ tạo ra các enzyme, cùng tham gia hỗ trợ hàng nghìn phản ứng sinh hóa được diễn ra bên trong và bên ngoài tế bào. Cấu trúc của enzyme kết hợp với những phân tử bên trong tế bào được gọi là chất nền, để thúc đẩy những phản ứng cần thiết cho quá trình trao đổi chất được diễn ra trong cơ thể.
4. Giúp định hình cấu trúc mô tế bào
Một số protein có cấu trúc dạng sợi có chức năng tạo độ cứng chắc cho các mô và tế bào. Chẳng hạn như:
Keratin: Là một dạng protein có trong da, tóc và móng tay.
Collagen: Là cấu trúc protein nhiều nhất trong cơ thể, có vai trò góp phần cấu tạo nên da, gân, xương và dây chằng.
Elastin: Là dạng linh hoạt hơn collagen gấp vài trăm lần. Nó có tác dụng tăng độ đàn hồi giúp cho nhiều mô trong cơ thể dù đã bị kéo dãn hoặc co bóp vẫn có thể trở về trạng thái ban đầu, ví dụ như tử cung hay phổi và các động mạch.
5. Duy trì độ pH
Bên cạnh những vai trò quan trọng nói trên, protein cũng tham gia vào quá trình điều chỉnh nồng độ pH (axit và bazơ) trong máu cũng như một số chất dịch cơ thể khác. Duy trì phạm vi pH ở mức bình thường là một điều rất quan trọng vì ngay cả một sự thay đổi nhỏ cũng có thể khiến cơ thể gặp nguy hiểm, thậm chí dẫn đến nguy cơ tử vong.
6. Tăng cường miễn dịch
Protein cũng là một thành phần giúp hình thành các kháng thể, để bảo vệ cơ thể và chống lại nhiễm trùng. Khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào các tế bào, chúng có thể gây ra những bệnh nhiễm trùng cho cơ thể chúng ta. Kháng thể có vai trò tiêu diệt vi khuẩn và virus để bảo vệ cơ thể tránh khỏi nguy cơ này.
7. Vận chuyển các chất dinh dưỡng
Protein sẽ theo dòng máu vận chuyển các chất dinh dưỡng ra vào các tế bào. Bên cạnh đó, nó cũng có nhiệm vụ lưu trữ, chẳng hạn như ferritin có khả năng dự trữ sắt trong cơ thể hay casein - một loại protein có nhiều trong sữa, giúp trẻ sơ sinh phát triển một cách toàn diện hơn.
8. Giúp cơ thể luôn tràn đầy năng lượng
Đây là vai trò rất quan trọng của loại dưỡng chất này. Protein có khả năng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì thế, khi tiêu thụ protein, bạn sẽ thấy cơ thể khỏe mạnh hơn, sung sức hơn. Ngược lại, cơ thể sẽ mệt mỏi, uể oải nếu thiếu đi dưỡng chất.
Protein đóng vai trò quan trọng trong cơ thể và nếu hàm lượng này có sự thay đổi bất thường cũng có thể dẫn khiến cơ thể sinh bệnh. Để đánh giá chính xác được lượng protein trong cơ thể, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm máu và nước tiểu.
Đây là xét nghiệm rất đơn giản, không tốn nhiều chi phí và rất hữu ích trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Những trường hợp mắc bệnh về thận, gan và những bệnh về đường tiêu hóa nên thường xuyên thực hiện xét nghiệm này để theo dõi cũng như kiểm soát tình trạng sức khỏe và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh.
Những đối tượng nên đo nồng độ protein trong cơ thể là:
Người thường xuyên chán ăn, cảm giác ăn không ngon, sút cân bất thường, không rõ nguyên nhân.
Người luôn cảm thấy thiếu năng lượng, cơ thể thường xuyên mệt mỏi.
Cơ thể bị phù, sưng.
Gặp khó khăn khi đi tiểu.
Những người có bệnh lý về thận.
Những người bị suy dinh dưỡng.