Tác dụng của các loại dầu thực vật
Dầu ăn có chức năng hỗ trợ sự phát triển của tế bào, bảo vệ các cơ quan, đóng vai trò hấp thụ chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K, cùng với beta-carotene.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị, mọi người nên chọn những loại giàu ăn có nhiều chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa lành mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh tim nói riêng, tăng cường sức khỏe tổng thể nói chung. Dưới đây là 5 loại dầu ăn có nguồn gốc thực vật được các chuyên gia khuyên dùng.
1. Dầu ôliu
Những người ăn theo chế độ ăn uống Địa Trung Hải thường chọn dầu ôliu trong chế biến. Loại dầu này phù hợp với các món ăn kèm như salad, mỳ ống và bánh mỳ. Dầu ôliu nguyên chất được chiết xuất mà không sử dụng nhiệt độ cao. Các chất hóa học thực vật trong loại dầu này có tác dụng chống viêm, mở rộng mạch máu, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh Alzheimer.
Đối với sức khỏe tim mạch, dầu ôliu nguyên chất giúp cải thiện cholesterol tốt HDL, giảm cholesterol xấu (LDL). Tiêu thụ hơn nửa muỗng canh dầu ôliu mỗi ngày góp phần giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, ung thư và bệnh hô hấp.
Khi sử dụng dầu ôliu để chế biến các món chiên xào, mọi người nên chú ý đến điểm bốc khói của nó. Loại dầu này không nên dùng trong các món chiên ngập dầu, không nấu ở nhiệt độ quá cao.
2. Dầu hạt lanh
Đây là loại dầu chứa nhiều axit alpha-linolenic, một loại axit béo omega-3. Omega-3, một loại chất béo không bão hòa đa mà cơ thể không thể tự sản xuất, có thể làm giảm viêm, do đó làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Dầu hạt lanh nói riêng có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp. Omega-6 trong dầu hạt lanh còn có nồng độ axit linolenic cao, có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong do mắc bệnh tim, đột quỵ.
3. Dầu dừa
Dầu dừa được tạo ra bằng cách ép chất béo từ “thịt” màu trắng bên trong quả dừa. Khoảng 84% lượng calo của dầu dừa đến từ chất béo bão hòa, có khả năng chịu được nấu ăn ở nhiệt độ cao. Chất béo bão hòa của dầu dừa được tạo thành phần lớn từ chất béo trung tính chuỗi trung bình hoặc MCT (medium-chain triglycerides). Các nghiên cứu cho thấy, chất béo bão hòa MCT trong dừa có thể tăng HDL (HDL – giúp loại bỏ LDL) hoặc cholesterol “tốt” trong cơ thể và điều này ít gây hại cho sức khỏe tim mạch của bạn hơn chất béo bão hòa trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như: phô mai, bít tết hoặc các sản phẩm khác có chứa chất béo chuyển hóa.
4. Dầu quả bơ
Quả bơ và dầu bơ rất giàu chất béo không bão hòa đơn lành mạnh. Nó cũng có giá trị dinh dưỡng lớn khi được đun ở nhiệt độ vừa phải. Dầu bơ có điểm bốc khói cao hơn dầu ôliu, vì vậy nó an toàn khi được đun nấu ở nhiệt độ cao. Hương vị trung tính của dầu bơ khiến nó trở thành một lựa chọn tốt để sử dụng trong nướng bánh.
5. Dầu hạt vừng (mè)
Dầu mè nằm trong danh sách các loại dầu ăn tốt cho tim mạch được Hiệp hội Tim mạch Mỹ đề xuất. Dầu mè là một chất béo không bão hòa đa, có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, có khả năng giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và xơ vữa động mạch, giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp.
Nguồn tham khảo: anchayhealthy
Các bài viết của ROLIE VIỆT NAM chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y tế. Các bạn chịu trách nhiệm về sức khoẻ của mình. Sức khoẻ có trong tay bạn, hãy lựa chọn thông minh.
Chúc các bạn sức khoẻ!