Giỏ hàng

Phòng tránh tình trạng thừa cân, béo phì khi làm việc, học online ở nhà thời COVID-19

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến rất nhiều người ở mọi các lứa tuổi phải làm việc và học tập ở nhà. Vì thế tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng. Vậy làm cách nào để phòng tránh hiệu quả?

1. Dịch COVID-19 làm tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì

Béo phì là sự tích tụ mỡ, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bị thừa cân, béo phì chủ yếu do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Năng lượng khẩu phần ăn vào vượt quá năng lượng tiêu hao theo nhu cầu cơ thể, do đó phần năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy.

Đối với trẻ em, một trong số lí do học online ở nhà là nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì. Ngoài ra việc hạn chế đi lại, chưa tiêm phòng làm hoạt động thể lực bị ảnh hưởng.

Ở trẻ mẫu giáo, nghỉ dịch COVID-19 thường dành nhiều thời gian hơn cho khi xem tivi, chơi điện tử và ngủ. Với trẻ lớn thì học online bằng các thiết bị điện tử như máy tính, ipad, iphone,…làm ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Hơn nữa, trẻ ít vận động vì ở nhà không gian chật chội, thiếu trang thiết bị dụng cụ, thiếu bạn bè, nguồn động lực để ganh đua,…Trong khi đó, trong nhà lại dự trữ nhiều đồ ăn, tạo điều kiện thuận lợi cho những trẻ thích ăn vặt.

Các thức ăn vặt thường là những đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh như: bánh kẹo ngọt, xúc xích, nước ngọt…. Các loại thức ăn này lại chứa rất nhiều năng lượng, chất béo, đường sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ, dễ gây thừa cân béo phì.

Đối với người lớn, làm việc online ở nhà, ngồi quá nhiều, ít vận động kèm theo chế độ ăn không kiểm soát là nguy cơ dẫn tới thừa cân, béo phì.

2. Tác hại của thừa cân, béo phì

Đối với người lớn, thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, ung thư….

Đối với trẻ em, thừa cân, béo phì ảnh hưởng cơ thể đang phát triển. Trẻ thừa cân béo phì khi đến tuổi trưởng thành dễ mắc các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ,…

3. Chế độ ăn dự phòng thừa cân, béo phì

Khi trẻ bị thừa cân béo phì, tuyệt đối không được giảm hay nhịn ăn, mà phải thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu vì cơ thể đang phát triển, đồng thời ăn hạn chế: chất béo, thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, bánh kẹo và nước ngọt.

Bữa ăn cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng, đủ nhu cầu về năng lượng khẩu phần từ các chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Tỷ lệ các chất đạm, chất béo từ nguồn động vật và thực vật cân đối hợp lý. Thực hiện độ ăn uống lành mạnh bằng các thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít chất béo, ít đường và muối.

4. Hoạt động thể lực phòng tránh thừa cân béo phì

Tăng cường hoạt động thể lực là giải pháp có hiệu quả tốt đối với thừa cân béo phì.

Đối với trẻ em, vận động thường xuyên giúp trẻ phát triển cả về thể chất, trí tuệ, nâng cao tầm vóc, kiểm soát và duy trì cân nặng, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, nó còn giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể phòng chống dịch bệnh, giúp giấc ngủ đến nhanh và sâu hơn, nâng cao kỹ năng sống, giảm stress.

Khi hoạt động thể lực phải phù hợp theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe, không nên quá sức. Bình thường sau 20-30 phút hoạt động thể lực, cơ thể sẽ cảm thấy sảng khoái và khỏe mạnh. Ngược lại, nếu sau thời gian trên mà cơ thể mệt mỏi, uể oải điều này chứng tỏ đã hoạt động quá sức. Trước khi tập thể dục, không được ăn no, không uống nhiều nước và cần khởi động cơ thể từ 5-10 phút.

Thời điểm thể dục tùy theo mùa, thời tiết, bình thường buổi sáng khoảng từ 7 giờ đến 10 giờ, buổi chiều từ 15 giờ đến 17 giờ. Khi hoạt động thể lực làm mồ hôi tiết ra kéo theo chất độc trong cơ thể thải ra và tỷ lệ thuận với lượng mồ hôi. Hoạt động ít nhất từ 30-60 phút chia làm 2-3 lần/ngày, ít nhất 150 phút/tuần, không nên vận động thời gian quá dài và quá sức.

Hoạt động thể lực đúng cách để phòng thừa cân béo phì đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, đúng phương pháp, đúng liều lượng và thời gian phù hợp theo từng lứa tuổi, sở thích và sức khỏe.

Đồng thời thực hiện hai giải pháp là tăng cường vận động và thực hiện ăn uống hợp lý, lành mạnh mỗi ngày giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để chống lại dịch bệnh và phòng chống thừa cân béo phì.

Nguồn: Sức khỏe và đời sống và một số nguồn khác.