Giỏ hàng

Trẻ béo phì cần nạp vitamin thế nào cho đúng

Ngày nay việc thừa cân, béo phì đang gia tăng mạnh mẽ ở lứa tuổi học đường và tuổi trưởng thành. Đặc biệt ở các thành phố lớn. Béo phì ở trẻ em làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi trưởng thành của trẻ.

Nhiều bà mẹ có con thừa cân hoặc béo phì nghĩ rằng tối giản quá mức thực đơn dành cho bé là được. Cách làm này là hoàn toàn không có căn cứ khoa học vì các mẹ chưa thực sự hiểu rõ nguyên nhân thừa cân, béo phì, dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ.

I. Các loại vitamin quan trọng cho trẻ thừa cần, béo phì

1. Vitamin tan trong dầu

- Vitamin D là vitamin tan trong chất béo. Khi trẻ em thiếu hụt vitamin D thường có chỉ hiện tượng thừa cân, béo phì, gây ra những biến đổi tim mạch sớm hơn ở trẻ khi trưởng thành. Một nghiên cứu ở một nhóm trẻ em thấy được rằng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời liên quan đáng kể đến việc cải thiện sự thiếu hụt vitamin D cho trẻ. Ngoài ra có thể bô sung vitamin D cho trẻ thông qua các thực phẩm giàu vitamin D như: cá hồi, nấm, trứng, …

- Vitamin A cũng là một loại vitamin tan trong dầu có nguồn gốc từ cả động vật và thực vật. Để phòng ngừa thiếu vitamin A, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi cần được bú sữa mẹ, đặc biệt là sữa non. Ngoài ra, mẹ cần linh hoạt hơn trong việc chế biến các món ăn để bảo đảm cung cấp đầy đủ lượng vitamin A cần thiết trong khẩu phần ăn. Thông thường vitamin A chứa nhiều trong các loại rau quả xanh (rau muống, rau dền, mồng tơi,…), rau quả có màu vàng đậm (cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ,…), hoặc có rất nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như (gan, thịt, cá, trứng, sữa, …).

- Vitamin E là một chất chống oxi hóa quan trọng ở con người. Vitamin E có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm bao gồm trái cây, rau, các loại hạt và hạt giống: Dầu thực vật, rau có màu xanh thẫm (cải bó xôi), ngũ cốc, trứng,…

2. Vitamin tan trong nước:
- Folate và vitamin B12

Ở trẻ em thừa cân, béo phì, sự thiếu hụt Folate và vitamin B12 xảy ra phổ biến hơn. Nguồn cung cấp vitamin B12 bao gồm các sản phẩm từ sữa, thịt, gia cầm, hải sản và trứng, ngoài ra còn có một số loại ngũ cốc ăn sáng, sản phẩm lên men dinh dưỡng và thực phẩm làm từ đậu nành được bổ sung tăng cường vitamin B12 cho bé.

3. Khoáng chất và các nguyên tố vi lượng

- Sắt đóng vai trò quan trọng hỗ trợ nhiều chức năng của cơ thể, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Do đó, khi trẻ lớn lên, nhu cầu đối với sắt cũng tăng. Nguồn sắt là từ động vật (thịt, lòng đỏ trứng) và nguồn gốc thực vật (chủ yếu là các loại đậu).

- Kẽm là nguyên tố vi lượng có rất cần thiết cho sự phát triển của cơ và xương. Thiếu kẽm gây ra nhiều tác hại đi kèm như suy giảm miễn dịch, rối loạn thần kinh,… Trẻ thừa cân, béo phì cũng nằm trong nhóm đối tượng bị thiếu hụt nguyên tố này. Bố mẹ có thể bổ sung kẽm cho các bé từ các nguồn thức ăn từ thịt, cá, vỏ cá và các loại hạt và ngũ cốc.

- Selen cũng là thành phần chống oxi hóa quan trọng và bị thiếu hụt ở trẻ em thừa cân, béo phì mà các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý. Các thực phẩm bổ sung selen cho trẻ em trong nguồn thức ăn hằng ngày như là lúa mì, bắp, bắp cải, đậu hà lan, cà rốt, củ cải, yến mạch, pho mát, nấm, cá hồi, thịt gà,…

II. Phương pháp kết hợp cùng chế độ ăn
Các bậc phụ huynh cần khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như chạy, bơi, nhảy dây, đi bộ,… Hạn chế xem tivi, chơi điện tử. Cần lưu ý, thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ và thời gian hoạt động của trẻ. 

Nguồn: bvndtp.org.vn và một số nguồn khác.