Khuyến cáo của WHO: Bổ sung sắt cho trẻ từ 5-12 tuổi
Sắt là một dưỡng chất rất quan trọng, nhất là đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng. Nhu cầu bổ sung sắt hàng ngày thay đổi theo độ tuổi, chẳng hạn hàm lượng bổ sung sắt cho trẻ 8 tuổi là khoảng 10 miligam/ngày.
1. Vai trò của việc bổ sung sắt cho trẻ
Cơ thể cần sắt để tạo ra huyết sắc tố - một loại protein thiết yếu trong các tế bào hồng cầu (RBCs). Huyết sắc tố giúp máu mang oxy và vận chuyển đến tất cả các tế bào khác của cơ thể. Nếu không có huyết sắc tố, cơ thể sẽ ngừng sản xuất ra những hồng cầu khỏe mạnh. Do đó, việc không có đủ chất sắt sẽ khiến cơ bắp, mô và tế bào của trẻ thiếu hụt lượng oxy cần thiết.
Các bé bú sữa mẹ có “một kho dự trữ” sắt riêng từ sữa mẹ trong 6 tháng đầu, trong khi trẻ bú bình cũng được bổ sung hàm lượng sắt nhất định thông qua công thức sữa. Vì vậy không nhất thiết phải bổ sung sắt cho trẻ thêm trong giai đoạn này. Nhưng khi các bé lớn hơn và chuyển sang ăn nhiều thức ăn rắn, trẻ có thể không ăn đủ thực phẩm giàu chất sắt. Điều này khiến các bé có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 300 triệu trẻ em trên toàn cầu bị thiếu máu vào năm 2011. Trẻ em từ 5 - 12 tuổi đang ở trong giai đoạn phát triển trí tuệ quan trọng, việc tối ưu hóa hiệu suất nhận thức của các bé vào thời điểm này có thể mang lại lợi ích suốt đời. Đã có bằng chứng chỉ ra rằng bổ sung sắt cho trẻ 12 tuổi trở xuống mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ thiếu sắt và thiếu máu.
WHO khuyến nghị các tổ chức y tế công cộng nên hỗ trợ bổ sung sắt cho trẻ em trong độ tuổi đi học (từ 5 tuổi trở lên), đặc biệt là những bé sống ở những nơi có tỷ lệ thiếu máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhiều hơn 40%, để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt và thiếu máu.
2. Nguyên nhân gây thiếu sắt
Nguyên nhân gây thiếu máu phổ biến nhất được cho là do thiếu sắt - một chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sự phát triển và tăng trưởng tế bào của hệ miễn dịch và thần kinh. Chất sắt cũng giúp điều hòa chuyển hóa năng lượng trong những hoạt động thể chất của con người. Thiếu sắt có thể bắt nguồn từ việc:
- Ăn uống không đủ chất;
- Khả năng hấp thu sắt trong chế độ dinh dưỡng kém;
- Tăng nhu cầu bổ sung sắt trong thời kỳ tăng trưởng;
- Nhiễm giun sán;
- Mất máu do kinh nguyệt ở trẻ em gái vị thành niên.
Một số trẻ có nguy cơ thiếu sắt cao hơn và có thể cần phải dùng thực phẩm bổ sung thường là:
- Kén ăn, không có chế độ dinh dưỡng cân bằng;
- Trẻ em thường ăn chay hoặc thuần chay;
- Mắc các bệnh làm cản trở sự hấp thụ các chất dinh dưỡng, chẳng hạn bệnh đường ruột và nhiễm trùng mãn tính;
- Trẻ nhẹ cân và sinh non;
- Những bé có mẹ bị thiếu sắt;
- Uống quá nhiều sữa bò;
- Thường xuyên tiếp xúc với chì;
- Trẻ thường xuyên tập thể thao, được huấn luyện như vận động viên chuyên nghiệp;
- Trẻ lớn và thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì;
- Trẻ em gái vị thành niên bị mất máu trong thời kỳ kinh nguyệt.
3. Chẩn đoán tình trạng thiếu sắt
Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh, đồng thời làm suy giảm khả năng phát triển nhận thức và thành tích học tập. Cụ thể, thiếu sắt có thể cản trở sự tăng trưởng bình thường của các bé và gây ra:
- Các vấn đề học tập và hành vi;
- Tính cách rụt rè, xa lánh xã hội;
- Trì hoãn các kỹ năng vận động;
- Yếu cơ.
Sắt cũng rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch, không cung cấp đủ chất sắt sẽ khiến bé dễ bị nhiễm trùng, cảm lạnh và đối mặt với nhiều cơn cúm hơn. Tuy nhiên không nên tự ý bổ sung sắt cho trẻ mà chưa tham khảo trước ý kiến của bác sĩ. Trẻ cần phải thăm khám để chẩn đoán tình trạng thiếu máu, cũng như kiểm tra thể chất và tìm kiếm các dấu hiệu thiếu sắt, bao gồm:
- Vấn đề về hành vi;
- Mất cảm giác ngon miệng;
- Yếu đuối;
- Tăng tiết mồ hôi;
- Hội chứng ăn bậy bạ (pica), ví dụ như thích ăn đồ bẩn, đá, đất, kem đánh răng, tóc hoặc giấy;
- Không tăng trưởng đúng như tốc độ dự kiến.
Bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu máu nhỏ để kiểm tra các tế bào hồng cầu của trẻ. Nếu bé được chẩn đoán bị thiếu chất sắt, bác sĩ sẽ kê toa một số chất bổ sung sắt cho trẻ 10 tuổi.
4. Nguồn thực phẩm giàu chất sắt
Trẻ em nên bổ sung sắt cũng như các vitamin khác từ chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Nếu đã ăn đủ thực phẩm giàu chất sắt, các bé hầu như không cần dùng thêm các loại dược phẩm bổ sung. Chất sắt được tìm thấy trong những thực phẩm sau đây:
- Thịt đỏ: Thịt bò và nội tạng động vật (chẳng hạn như gan);
- Gà tây, thịt lợn và thịt gà;
- Cá;
- Ngũ cốc dinh dưỡng, chẳng hạn như bột yến mạch;
- Các loại rau lá xanh đậm: Cải xoăn, bông cải xanh và rau bina;
- Các loại đậu;
- Mận khô (prunes).
5. Lưu ý khi bổ sung sắt cho trẻ
Khi cho con ăn bổ sung sắt, phụ huynh cần làm theo các biện pháp phòng ngừa sau để đảm bảo bé được an toàn:
- Tuân thủ tất cả hướng dẫn và gọi bác sĩ nhi khoa ngay nếu có bất kỳ thắc mắc hay vấn đề nào;
- Đặt tất cả các chất bổ sung trên kệ cao nhất và nằm ngoài tầm với của trẻ, tốt nhất là trong tủ có khóa;
- Hộp chứa của các chất bổ sung phải được dán nhãn đầy đủ;
- Tránh cho trẻ uống sắt với sữa hoặc đồ uống chứa caffein;
- Cung cấp thêm vitamin C cho trẻ, như uống nước cam hoặc dâu tây cùng với chất sắt;
- Cho trẻ uống thêm các chất bổ sung khác theo lời khuyên của bác sĩ.
Kể từ khi bắt đầu bổ sung sắt, có thể mất hơn 6 tháng thì mức sắt của trẻ bị thiếu hụt mới trở lại bình thường.
Cần lưu ý rằng quá liều sắt có thể gây khó chịu cho dạ dày, khiến trẻ bị đau bụng, táo bón và mệt mỏi, thậm chí là ngộ độc. Vì vậy phụ huynh chỉ nên bổ sung sắt cho trẻ 5 - 12 tuổi bằng nguồn thực phẩm giàu chất sắt tự nhiên, như tăng cường ngũ cốc ăn sáng, thịt nạc, ăn nhiều trái cây và rau quả. Ngoài ra cũng có rất nhiều loại dược phẩm bổ sung bào chế sẵn cho trẻ mà bố mẹ có thể sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Nguồn tham khảo: healthline.com; who.int