Giỏ hàng

Hạn chế trẻ ăn đồ ngọt với 5 cách sau đây

Đồ ngọt có một sức hấp dẫn ma mị với trẻ em. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh thực phẩm chứa nhiều đường không tốt cho sức khỏe của trẻ em và người lớn. Phụ huynh cần làm gì để con em tránh sa đà vào đồ ngọt?

I. Tác hại của đồ ngọt

Đường là nguồn năng lượng duy trì sự sống của cơ thể. Tuy nhiên không phải đường nào cũng tốt và đặc biệt là đường tinh luyện. Khi trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim và ung thư, đặc biệt là khi chúng ta già đi. Ngoài ra, đau khớp, bệnh gout, bệnh gan nhiễm mỡ là những biến chứng có thể xảy ra khi thừa cân, béo phì do ăn quá nhiều đường.

Ăn quá nhiều đường khiến trẻ cảm giác chán ăn, bởi trong đường có chất béo rỗng. Từ đó trẻ biếng ăn và dẫn đến thiếu chất. Thực phẩm có đường như bánh, kẹo, nước ngọt không chỉ thay thế các nhóm thực phẩm thiết yếu như protein, trái cây, rau, sữa và ngũ cốc nguyên hạt, chúng còn làm cạn kiệt vitamin khỏi cơ thể trong quá trình tiêu hóa, ví dụ như vitamin B tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose.

Hạn chế ăn quá nhiều đường cũng giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng của trẻ. Vì tình trạng sâu răng sẽ trở nên trầm trọng hơn khi trẻ thường xuyên ăn thức ăn và đồ uống có đường. Nếu không được chăm sóc phòng ngừa và điều trị tốt có thể dẫn đến nhiều vấn đề về răng miệng nghiêm trọng.

II. Một số cách giúp trẻ hạn chế ăn quá nhiều đường

1. Đảm bảo đủ dinh dưỡng

Phụ huynh cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ `các thực phẩm cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Bữa ăn của trẻ cần đủ số lượng và chất lượng, cân đối, đa dạng các nhóm thực phẩm như:

  • Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc);

  • Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...);

  • Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật);

  • Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...).

     

Khi trẻ được ăn đầy đủ chất với các thực phẩm lành mạnh, trẻ sẽ ít ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, đặc biệt là đường bổ sung không tốt cho sức khỏe.

2. Không sử dụng đồ ngọt làm phần thưởng

Một số phụ huynh có thói quen sử dụng bánh kẹo, nước ngọt làm phần thưởng cho trẻ khi hoàn thành một công việc. Điều này dẫn đến suy nghĩ lệch lạc của trẻ khi chú trọng bánh kẹo hơn các thực phẩm khác và khiến chúng háo hức, thèm muốn ăn nhiều hơn.

Có nhiều cách để khuyến khích con trẻ. Cha mẹ có thể thay thế phần thưởng bằng các sản phẩm thiết thực, sách, đồ chơi để khuyến khích con. Khuyến khích trẻ phát triển sở thích đối với thực phẩm tự nhiên và xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh hơn.

3. Không nên tích trữ nhiều đồ ngọt trong nhà

Nhiều gia đình hay tích trữ nhiều đồ ngọt trong nhà, vô tình làm trẻ có những lựa chọn bánh kẹo, nước ngọt hơn các sản phẩm khác. Thay vào đó, nên chuẩn bị sẵn những thực phẩm lành mạnh như: sữa ít đường, sữa chua nguyên chất, trái cây, các loại hạt… Như vậy, trẻ vẫn có sự lựa chọn về các đồ ăn nhẹ, nhưng tất cả các thực phẩm đều lành mạnh, tốt cho sức khỏe.

4. Kiểm tra kĩ thành phần

Trong sản phẩm như sữa chua, ngũ cốc ăn liền, các loại nước sốt, nước trái cây đóng hộp… đều có lượng đường nhất định. Vì vậy, khi lựa chọn thực phẩm cho trẻ, cha mẹ cần chú ý đọc nhãn thực phẩm để phát hiện ra lượng đường được thêm vào. Tốt nhất nên lựa chọn các thực phẩm nguyên chất như sữa không đường thay vì sữa có hương vị, nước tinh khiết thay cho nước ngọt, nước sốt không đường, hoặc trái cây tươi thay vì nước trái cây đóng hộp để loại bỏ lượng đường dư thừa.

5. Xây dựng thói quen lành mạnh

Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh là biên pháp hữu hiệu và lâu dài. Cần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ bằng cách cho trẻ ngồi ăn chung với cả gia đình và khuyến khích trẻ giúp đỡ bố mẹ làm việc vặt trong bếp.

Trong khi trẻ tham gia nấu ăn và ăn uống cùng gia đình, cha mẹ hãy dạy trẻ nhận biết các loại thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của chúng đối với sức khỏe. Giải thích cho trẻ hiểu một số loại thức ăn là thức ăn hàng ngày, còn một số loại thức ăn khác là thức ăn lâu lâu mới nên ăn một lần nhằm mục đích cho trẻ hiểu là không nên ăn đồ ngọt mọi lúc mọi nơi.

Nguồn: Sức khỏe đời sống và một số nguồn khác.