Giỏ hàng

Chế độ ăn cho phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ


Đái tháo đường thai kỳ (hay tiểu đường thai kỳ) là một thuật ngữ chỉ tình trạng rối loạn dung nạp đường khởi phát được xác định lần đầu từ khi mang thai. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tiểu đường thai kỳ sẽ gây nhiều tai biến cho quá trình mang thai và chuyển dạ, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con về sau.

1. Định nghĩa bệnh tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai. Thai phụ có thể bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai đầu tiên hoặc đã có nguy cơ đái tháo đường nhẹ trước khi mang thai, sau đó bệnh trở nên nặng hơn lúc họ có em bé.

Khi dung nạp thực phẩm, các hoóc môn insulin được tạo ra bởi tuyến tụy có nhiệm vụ chuyển hóa glucose hoặc đường từ tế bào máu thành năng lượng. Người mẹ lúc mang thai cần nhiều glucose hơn để cung cấp cho cả em bé trong bụng. Đôi khi, sự thay đổi ở cơ thể bà bầu sẽ làm họ không sử dụng insulin tốt như trước đây (kháng insulin) hoặc không sản xuất ra đủ insulin để chuyển hóa lượng glucose cần thiết. Không thể sản sinh năng lượng, đường sẽ đi vào trong máu và gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ bao gồm:

  • Khát nước liên tục và đi tiểu thường xuyên.
  • Cảm thấy mệt mỏi và buồn nôn.
  • Mắt bị mờ hơn.
  • Có thể bị nhiễm trùng bàng quang hoặc tìm ra đường trong nước tiểu khi đi thăm khám và xét nghiệm.
Bà bầu thừa sắt
Tiểu đường thai kỳ chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai

2. Chế độ ăn tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ ăn gì để giúp kiểm soát được các triệu chứng mà không cần dùng thuốc là thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ mang thai không may mắc bệnh. Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), một khẩu phần ăn lành mạnh cho mỗi bữa nên có 25% protein, 25% tinh bột và 50% thực phẩm không chứa tinh bột, chẳng hạn như rau hoặc salad. Quá nhiều carbohydrate có thể dẫn đến tăng đột biến lượng đường trong máu của sản phụ. Do đó, học cách tính lượng calo và carbohydrate từ các chuyên gia dinh dưỡng là cách để đảm bảo cho người mẹ không nạp quá nhiều đường hơn mức cần thiết. Các bác sĩ cũng có thể giúp bà bầu xây dựng thực đơn và đưa ra một kế hoạch ăn uống để giữ cho mẹ và em bé đều khỏe mạnh.

2.1. Bữa chính

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nên cố gắng thực hiện theo hướng dẫn chế độ ăn tiểu đường thai kỳ tổng quát và khoa học như sau:

  • Chia nhỏ và đều các bữa ăn, bao gồm ba bữa chính với ít lượng thực phẩm hơn bình thường và hai hoặc ba bữa phụ.
  • Chú ý đến kích thước khẩu phần trong dĩa để tránh ăn quá nhiều.
  • Đảm bảo có đủ protein cho mỗi bữa ăn bằng thịt cá, gà và các loại đậu, hạt.
  • Bổ sung ít nhất 20-35 gram chất xơ mỗi ngày. Các loại thực phẩm như bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, mì ống, gạo lứt, bột yến mạch, rau và trái cây là những lựa chọn giúp thai phụ đạt được mục tiêu trên.
  • Lựa chọn chất béo không bão hòa đến từ dầu oliu, cá hồi, quả bơ hay các loại hạt,...
  • Đa dạng chế độ ăn tiểu đường thai kỳ nhằm đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất. Có thể dùng thêm một số loại thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng, tuy nhiên cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ.

Nếu bị ốm nghén, thai phụ có thể ăn một vài miếng bánh quy, ngũ cốc khi mới thức dậy và tránh những thực phẩm nhiều chất béo, chiên và dầu mỡ trong suốt cả ngày.

Bà bầu ăn chay
Bữa chính nên có nhiều chất xơ

2.2. Bữa phụ

Dưới đây là một vài lựa chọn lành mạnh cho bữa ăn nhẹ của chị em phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ:

  • Rau quả tươi hoặc được nấu chín.
  • Trứng hoặc chỉ ăn lòng trắng trứng.
  • Bột yến mạch dùng kèm với quả mọng nước như dâu tằm, việt quất, ...
  • Ức gà lột bỏ da.
  • Cá nướng.
  • Bỏng ngô nhạt.
  • Sữa chua Hy Lạp không đường.

Thai phụ vẫn có thể ăn trái cây nếu bị tiểu đường nhưng không phải là ăn càng nhiều càng tốt, mà cần có giới hạn và được theo dõi. Các công thức sinh tố tốt cho bệnh tiểu đường, hạt chia hay súp rau cũng là những đáp án thích hợp cho câu hỏi “tiểu đường thai kỳ nên ăn gì”.

3. Những thực phẩm cần tránh

Ngoài nắm được thông tin tiểu đường thai kỳ nên ăn gì, thai phụ cũng nên biết những món ăn mình phải tránh. Nhìn chung, tất những món ăn đã được chế biến sẵn (đồ hộp) và có nhiều đường đều không tốt cho bà bầu đang bị mắc bệnh đái tháo đường, cụ thể:

  • Thực phẩm nhiều tinh bột như bánh mì trắng, khoai tây và cơm.
  • Thức ăn nhanh, đồ chiên.
  • Thức uống có cồn hoặc có đường, kể cả nước trái cây ngọt.
  • Các loại bánh ngọt nướng hoặc kẹo.

Tuy nhiên, lời khuyên vẫn là cần tham khảo ý kiến bác sĩ về thực đơn hàng ngày của thai phụ và kiên trì thực hiện theo nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng tối ưu cho cả mẹ và bé, đồng thời kiêng cử những món ăn không dành cho bệnh tiểu đường.

4. Điều trị

Bà bầu
Người mẹ có thể dùng thêm một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ để hạ đường huyết


Việc điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ phụ thuộc vào mức đường huyết của sản phụ và khác nhau ở từng cá nhân. Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người mẹ vẫn cần dùng thêm một số loại thuốc uống được bác sĩ chỉ định hoặc tiêm insulin để hạ đường huyết.

5. Biến chứng

Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến một số biến chứng cho cả mẹ và bé, có thể kể đến như:

  • Em bé quá nặng do nhận được nhiều glucose dư thừa từ mẹ, dẫn đến quá trình sinh nở trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn.
  • Bé bị sinh non.
  • Trẻ có có nhiều nguy cơ mắc tiểu đường hơn khi trưởng thành.
  • Cao huyết áp ở người mẹ.

Thông thường, bệnh tiểu đường thai kỳ biến mất sau khi sinh ra em bé nếu như sản phụ không bị tiểu đường trước khi mang thai. Song nguy cơ tiếp tục mắc bệnh tiểu đường sau khi mang thai là khá cao. Do đó, cả hai mẹ con đều nên làm xét nghiệm và chú ý kiểm soát lượng đường trong máu kể từ khi kết thúc thai kỳ trở đi.

Nếu bị chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường khi mang thai, ngoài duy trì chế độ ăn tiểu đường thai kỳ cân bằng và lành mạnh, bà bầu cũng nên tập thể dục thường xuyên, uống viên bổ sung vitamin và quan trọng là khám thai định kỳ theo đúng lịch để được bác sĩ theo dõi.