Giỏ hàng

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ LOÃNG XƯƠNG

Ngoài các biến chứng như tim mạch, suy thận, đột quỵ hoặc mù lòa... bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi có thể gây loãng xương và một số bệnh lý khác có liên quan đến xương khớp. Vậy bệnh đái tháo đường gây loãng xương như thế nào?
1. BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG GÂY LOÃNG XƯƠNG NHƯ THẾ NÀO?
  • Ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa canxi, phốt pho và các khoáng chất khác:

Nếu bệnh đái tháo đường không được điều trị sẽ làm gia tăng lượng đường huyết. Lượng đường này bị đào thải ra ngoài theo nước tiểu cùng với lượng canxi và phốt pho, làm cho mật độ xương bị giảm sút, gây loãng xương. Lượng đường huyết khi đói và lượng đường trong nước tiểu tăng lên thì mật độ xương sẽ giảm xuống. Khi lượng đường huyết xuống thấp, gần với trị số bình thường thì chỉ số canxi niệu cũng giảm theo và giảm xuống mức bình thường.

  • Ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa xương:

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, khi chức năng của tế bào cốt trưởng thành bị suy giảm thì sẽ khiến sự hình thành xương bị giảm sút, hoặc bị chậm lại. Tuy nhiên, quá trình tiêu hủy của xương có thể sẽ bình thường, hoặc có thể tăng hoặc giảm. Bên cạnh đó, các thụ thể của insulin có trên tế bào cốt trưởng thành có thể giúp tăng chức năng và tăng sản sinh tế bào cốt trưởng thành. Do đó, người bị bệnh đái tháo đường, thiếu insulin, sẽ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của xương, vì vậy mà có những biến chứng bệnh lý liên quan đến xương, giảm sút mật độ xương, loãng xương.

  • Ảnh hưởng đến mật độ xương:

Giữa bệnh nhân đái tháo đường type 2 và type 1 có sự thay đổi mật độ xương rõ rệt khi tiến hành đo mật độ xương vùng thắt lưng, đoạn trên xương đùi. Đặc biệt, trường hợp mật độ xương giảm sút thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 do người bệnh đang trong giai đoạn phát triển xương (trước 20 tuổi). Khi đó người bệnh bị thiếu hụt insulin và có liên quan đến sự phát triển của xương.

 
2. PHÒNG NGỪA LOÃNG XƯƠNG DO BỆNH TIỂU ĐƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?
  • Phòng ngừa loãng xương bằng cách khống chế lượng đường huyết trong giới hạn cho phép là biện pháp duy nhất. Duy trì và giữ ổn định chỉ số đường huyết ở mức bình thường hoặc gần mức bình thường có thể giúp các chất canxi, phốt pho, magie và các chất chuyển hóa khác cân bằng trở lại.

  • Thực hiện chế độ ăn kiêng khoa học, cân đối các chất trong mỗi bữa ăn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Thừa hoặc thiếu một số chất có thể gây cản trở quá trình hấp thu canxi, và gây ra hiện tượng mất xương, dẫn đến loãng xương. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường cần lựa chọn và bổ sung vào mỗi bữa ăn các loại thực phẩm giàu canxi, phốt pho, vitamin như sữa, các chế phẩm từ sữa, thịt nạc, trứng, một số loại hải sản như tôm, cá; các loại rau xanh và trái cây... Một chế độ ăn uống giàu canxi và vitamin D là cơ sở để duy trì sự cứng cáp và giúp tăng mật độ xương. Tuy nhiên, canxi và vitamin D chỉ có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị. Ngoài ra, sử dụng nhiều thuốc lá, rượu bia, cà phê cũng làm giảm sự hấp thu canxi. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường cần hạn chế và loại bỏ các thói quen này.

  • Người bị bệnh đái tháo đường cần tăng cường vận động và tắm nắng để phòng ngừa bệnh loãng xương. Việc thường xuyên vận động sẽ giúp tăng cường chức năng hoạt động của các cơ quan như tim, phổi, nâng cao khả năng miễn dịch, phòng chống các bệnh tật. Tắm nắng làm tăng tổng hợp vitamin D, giúp hấp thụ canxi tốt hơn. Tia hồng ngoại có trong ánh nắng mặt trời có thể làm các mạch máu dưới da giãn nở và tăng tuần hoàn máu.

  • Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường cần thực hiện xét nghiệm mật độ xương theo định kỳ để có thể phát hiện kịp thời bệnh loãng xương. Có thể thực hiện đo mật độ xương ở vùng hông và cột sống để phát hiện trước các vết nứt, cũng như dự đoán khả năng bị gãy xương.

Nguồn: vinmec

Nếu các bạn cần tư vấn thực đơn phù hợp với cơ thể xin vui lòng liên hệ đến fanpage ROLIE Việt Nam để được hỗ trợ kịp thời: https://www.facebook.com/rolievietnam

Chúc tất cả các bạn sức khoẻ, bình an, hạnh phúc !