Giỏ hàng

Dinh dưỡng - yếu tố quan trọng trong phòng, điều trị bệnh tiểu đường

Dinh dưỡng - yếu tố quan trọng trong phòng, điều trị bệnh tiểu đường


Chế độ dinh dưỡng là vấn đề quan trọng trong phòng và điều trị bệnh tiểu đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đủ cả về số lượng và chất lượng để điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng mong muốn, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để sinh hoạt và làm việc. Vậy có những nguyên tắc và lưu ý gì về dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường?

1. Người bệnh tiểu đường ăn gì?

Nhiều người có quan niệm bệnh nhân tiểu đường cần phải hạn chế ăn gần như tất cả các loại thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều thức ăn dành cho người tiểu đường có thể thưởng thức và tốt cho sức khỏe:

1.1. Đậu

Đậu chứa nhiều chất xơ và protein khiến bạn có cảm giác no lâu. Một nghiên cứu tại Canada cho thấy những người bổ sung thêm một hoặc nhiều cốc sữa đậu vào thực đơn mỗi ngày sẽ kiểm soát tốt lượng đường trong máu và giảm huyết áp. Đậu không phải là thực phẩm đắt đỏ và có nhiều cách chế biến linh hoạt. Vì vậy đây chắc chắn là món thức ăn dành cho người tiểu đường phù hợp.

1.2. Rau xanh

Rau xanh là những nguồn chất xơ, vitamin và khoáng chất tự nhiên dồi dào. Đồng thời, rau xanh cũng là những loại thực phẩm có hàm lượng chất chống oxy hóa, hợp chất phytochemical cao, có công dụng thúc đẩy hệ thống miễn dịch cơ thể.

Các loại rau củ như mù tạt xanh, củ cải, cải xoăn, bông cải xanh, rau bina,... là những loại thực phẩm lý tưởng phù hợp với dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường. Đặc biệt các thực phẩm này có chứa hàm lượng chất carbonhydrat và calo thấp, không làm tăng chỉ số đường huyết của bạn.

1.3. Hoa quả

Các loại trái cây tươi chứa ít đường như bưởi, cam, quýt, táo,... là nhữngtrái cây tốt cho người tiểu đường,nhờ cung cấp rất nhiều vitamin tốt.

Mặc dù trái cây có thể cung cấp cho bệnh nhân lượng đường nhất định nhưng đây là loại đường giải phóng chậm (tức là cần phải trải qua quá trình tiêu hóa mới trở thành đường hấp thu vào trong cơ thể) nên sẽ giúp cho lượng đường ở trong máu không tăng quá cao hay quá thấp, đồng thời chúng còn cung cấp thêm chất xơ có ích và chất khoáng hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu.

Dinh dưỡng - yếu tố quan trọng trong phòng, điều trị bệnh tiểu đường
Các loại trái cây tươi chứa ít đường như bưởi, cam, quýt, táo,... là những trái cây tốt cho người tiểu đường


1.4. Chất béo tốt

Nguồn chất béo có bên trong các loại quả khô như quả bơ, quả hồ đào, hạnh nhân, quả óc chó, dầu đậu phộng, dầu oliu sẽ giúp ích cho việc giảm nồng độ cholesterol trong máu. Người bệnh tiểu đường nên bổ sung chúng vào chế độ ăn hàng ngày thay thế cho chất béo có nguồn gốc từ động vật.

Những chất béo lành mạnh này giúp ngăn ngừa và làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường và bệnh tim. Hạt quả khô có lượng carbohydrate, chất đạm và chất béo thấp giúp ổn định lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, khi sử dụng dầu ô liu thì nên chú ý chỉ sử dụng ở nhiệt độ thường, không nên chế biến với nhiệt độ cao vì chúng có thể tạo ra thêm nhiều chất độc hại cho cơ thể.

1.5. Cá

Cá là thức ăn dành cho bệnh nhân tiểu đường phù hợp. Nguyên nhân là do cá là nguồn cung cấp ra chất béo và chất đạm thay thế cho thịt rất tốt. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên bổ sung cá vào chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường ít nhất 2 lần/tuần.

Các loại cá như cá ngừ, cá mòi, cá hồi, cá thu là những loại thực phẩm giàu axit béo Omega-3 không những tốt cho người mắc bệnh tiểu đường mà còn tốt cho sức khỏe tim mạch nhờ làm giảm huyết áp và cải thiện nồng độ cholesterol.

1.6. Trứng

Việc bổ sung trứng vào chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường là thực sự có lợi, giúp làm giảm lượng Cholesterol LDL xấu trong máu và tăng lượng Cholesterol HDL tốt. Do vậy mà ăn nhiều trứng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm viêm nhiễm và khiến người bệnh không có cảm giác đói.

Một số nghiên cứu còn cho thấy, trứng rất giàu Zeaxanthin và lutein – hai chất chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe của mắt, đặc biệt có nhiều trong lòng đỏ trứng.


2. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người tiểu đường


Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường cần đảm bảo các nguyên tắc:

  • Lựa chọn các thực phẩm không làm tăng đường huyết sau ăn, cần phối hợp các thực phẩm có nhiều chất xơ như gạo lứt, bánh mì đen, rau, củ,... Nhóm thực phẩm này giúp hấp thu đường vào trong máu chậm hơn, nhờ vậy lượng đường huyết sau ăn tăng chậm và ổn định nên không gây ra những hậu quả nghiêm trọng;
  • Tránh những bữa ăn lớn, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nếu đường huyết kiểm soát không tốt, nên ăn 3 bữa chính và có thêm ít nhất một bữa phụ. Tuy nhiên, người bệnh không nên ăn bữa phụ sáng vì sau bữa sáng đường huyết thường cao nhất trong ngày do liên quan đến các hormon làm tăng đường huyết của cơ thể;
  • Ăn đúng giờ theo lịch. Không bỏ bữa ăn ngay cả khi ốm hoặc không muốn ăn;
  • Tránh ăn và/hoặc uống các thực phẩm chứa nhiều loại đường hấp thu nhanh có trong đường kính, đường mật, mật ong, các loại mứt, quả chín khô, kẹo, socola, nước ngọt đóng chai;
Dinh dưỡng - yếu tố quan trọng trong phòng, điều trị bệnh tiểu đường
Thực phẩm chứa nhiều loại đường hấp thu nhanh có hại cho người tiểu đường


  • Hạn chế ăn các thực phẩm nguồn gốc động vật có chứa nhiều cholesterol (thịt mỡ, mỡ, bơ, phủ tạng động vật...). Hạn chế dùng thức ăn chiên rán, vì nhiệt độ cao có thể phá hỏng acid béo không bão hòa. Nên ăn các thực phẩm có chứa chất béo tốt cho sức khỏe như đậu phụ, vừng lạc, cá...;
  • Ăn dầu thực vật thay cho mỡ động vật và nên ăn ở dạng trộn nộm, salad.
  • Cố gắng cắt giảm lượng muối đến mức có thể chấp nhận, đặc biệt khi bị tăng huyết áp, suy thận;
  • Cố gắng hạn chế sử dụng các thức uống có cồn như rượu, bia. Nguyên nhân là do chúng ngoài việc cung cấp năng lượng ra thì không chứa chất dinh dưỡng nào khác. Một số người bệnh uống rượu sau khi dùng thuốc hạ đường huyết dễ bị hồi hộp, thở ngắn, thậm chí xảy ra tụt đường huyết.

Trên đây là những vấn đề về dinh dưỡng cần lưu ý trong phòng và điều trị bệnh tiểu đường. Chế độ dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng giúp ổn định chỉ số đường huyết. Người bệnh cũng nên chuẩn bị sẵn thiết bị đo đường huyết bỏ túi bên người và kiểm tra sau khi ăn một loại thực phẩm lạ để đảm bảo kiểm soát đường huyết được hiệu quả hơn.