Thực phẩm tốt và không tốt cho bệnh nhân đái tháo đường
Chế độ ăn uống giữ vai trò quan trọng trong điều trị bệnh đái tháo đường. Chế độ ăn cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, năng lượng cần thiết cho bệnh nhân và không làm đường huyết tăng cao, kiểm soát đường huyết trong giới hạn cho phép.
1. Chế độ ăn đái tháo đường
Hiện nay đái tháo đường là một trong ba bệnh tăng lên song hành với tuổi già đó là: Bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường. Ngoài việc dùng thuốc điều trị kiểm soát glucose máu thì có chế độ ăn uống hợp lý góp phần rất nhiều: Khi có chế độ ăn phù hợp nó góp phần quan trọng:
- Duy trì sức khoẻ cho bệnh nhân, tránh bị thiểu dưỡng do ăn uống quá kiêng khem. Trên thực tế có một số bệnh nhân khi bị bệnh ĐTĐ rất sợ ăn, kiêng khem nhiều và không dám ăn nhiều loại thực phẩm, lâu dài sẽ làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
- Tránh tăng đường huyết quá mức do không biết chọn thực phẩm. ăn ít cơm nhưng lại ăn nhiều miến, hoặc ăn quá nhiều khoai củ. Tất cả là do thiếu kiến thức về giá trị dinh dưỡng của từng loại thực phẩm gây nên vì không được tư vấn làm ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị bệnh.
- Hạn chế được dùng thuốc: nếu bệnh nhân có chế độ ăn uống đúng sẽ làm glucose máu của bệnh nhân không tăng thêm và hạn chế phải dùng thêm thuốc hoặc không phải dùng thuốc nếu chưa có ĐTĐ lâm sàng
- Hạn chế các biến chứng: chế độ ăn hạn chế glucose sẽ góp phần hạn chế các biến chứng xảy ra. Các tác giả cho rằng khi glucose máu quá cao thì rất dễ xuất hiện các biến chứng cấp tính.
* Nguyên tắc dinh dưỡng điều trị bệnh đái tháo đường:
+ Đủ chất đạm, béo, bột, vitamin và các chất khoáng, đủ nước.
+ Không làm tăng đường máu nhiều sau ăn.
+ Không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn.
+ Duy trì được hoạt động thể lực bình thường hàng ngày.
+ Duy trì được cân nặng lý tưởng.
+ Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tổn thương thận...
+ Phù hợp với thói quen ăn uống (food habit) của bệnh nhân.
Bữa ăn cho người đái tháo đường cần chú ý các điểm sau:
- Chia khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ, ngoài 3 bữa chính là sáng - trưa - tối, bệnh nhân nên có thêm các bữa phụ vào giữa buổi sáng và buổi trưa, giữa buổi trưa và buổi tối, trước khi đi ngủ. Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp ổn định đường huyết, không làm đường huyết tăng cao sau khi ăn và không bị hạ thấp khi đói.
- Bệnh nhân đái tháo đường: Nên chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (Gl) thấp như là: gạo lứt, khoai củ (tuy nhiên không ăn khoai bỏ lò, khoai nướng), rau xanh (400g/ngày) và các loại hoa quả ít ngọt như: ổi, thanh long, bưởi, táo, cam gọt vỏ không vắt nước uống.
- Trong chế độ ăn nên hạn chế các loại thực phẩm có chứa nhiều đường như bánh kẹo, sữa có đường, nước ngọt, các loại hoa quả ngọt như: chuối, nhãn, xoài, mít, na,...
- Trong quá trình chế biến không nên cắt, thái thực phẩm quá nhỏ, không nên nấu, ninh thực phẩm quá nhừ. Bởi nếu làm như vậy thực phẩm sẽ nhanh chóng được tiêu hóa, hấp thụ sẽ làm tăng đường huyết nhanh sau khi ăn và hạ đường huyết khi đói, khi cách xa bữa ăn.
- Bệnh nhân đái tháo đường cần điều chỉnh chế độ ăn sao cho cân nặng không nhỏ hơn chiều cao bình phương x 20 và không lớn hơn chiều cao bình phương x 22. Cần theo dõi cân nặng để có thể điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.
- Trong chế độ ăn vẫn cần phải cung cấp đầy đủ các chất như chất đạm, chất bột đường, chất béo, các vitamin và khoáng chất để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
2. Bệnh nhân đái tháo đường nên ăn gì?
Thực phẩm tốt dành người bệnh đái tháo đường nên ăn:
- Gạo lứt hoặc gạo giã rối.
- Khoai củ.
- Các loại hạt, đậu đỗ.
- Các loại rau xanh.
- Các loại hoa quả ít ngọt như: thanh long, ổi, bưởi, cam, táo,..
- Sữa không đường, sữa dành cho người đái tháo đường.
3. Bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn gì?
Thực phẩm mà bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn:
Những loại thực phẩm không tốt, bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn đó là:
- Bánh mì trắng.
- Khoai nướng.
- Gạo xát kỹ.
- Miến dong.
- Đường.
- Các loại bánh kẹo.
- Nước ngọt.
- Các loại hoa quả ngọt như: dưa hấu, nhãn, na, xoài, mít,...
- Hạn chế các chất tạo ngọt có chứa năng lượng như Saccharose, Glucose,...
- Trong các loại nước giải khát có đường không nên lạm dụng các chất tạo ngọt chứa ít năng lượng, như các sản phẩm chứa chất tạo ngọt có chữ “Light”.
- Không nên ăn mặn, đặc biệt ở những bệnh nhân bị cả đái tháo đường và tăng huyết áp.
4. Một số quan niệm sai lầm về chế độ ăn đái tháo đường
Hiện nay vẫn còn một số quan niệm sai lầm về chế độ ăn đái tháo đường vẫn được nhiều người truyền tai nhau đó là:
- Người bị bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn miến dong, không ăn cơm: điều này hoàn toàn không chính xác. Bởi miến dong và cơm đều là 2 loại thực phẩm thuộc nhóm cung cấp chất đường bột, trong đó chỉ số đường huyết của miến dong là 95 cao hơn gạo trắng là 83.
- Bệnh nhân đái tháo đường cần dừng ăn tinh bột: đây cũng là một quan niệm không đúng. Chế độ ăn đái tháo đường không nên dừng ăn tinh bột, mà cần cân đối lượng tinh bột trong ngày để cung cấp từ 45 - 55% năng lượng cho cơ thể.
- Bệnh nhân đái tháo đường có thể ăn mì tôm thay cơm: điều này cũng không đúng. Vì mì tôm cũng nằm trong nhóm thực phẩm chứa nhiều bột đường. Do đó bệnh nhân đái tháo đường cần giảm tiêu thụ mì tôm. Khi ăn mì tôm cần cho thêm khoảng 150g rau xanh (rau cải, giá đỗ, rau cải cúc,...) và thêm 3 con tôm hoặc 30g thịt bò để cân đối các chất dinh dưỡng và hạ chỉ số đường huyết thấp hơn so với việc chỉ ăn mì tôm không.
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh, vừa đảm bảo cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể, đồng thời không được làm cho đường huyết tăng cao.