Tiểu đường thai kỳ: Những thực phẩm mẹ cần tránh
Tiểu đường thai kỳ thường được phát hiện vào tuần 24 – 18 của tam cá nguyệt thứ hai và gây nhiều ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn thai nhi. Điển hình là sự gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tiền sản giật, thai lưu hoặc sảy thai không rõ nguyên nhân ở mẹ bầu hay khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh hoặc thậm chí không phát triển.
Dinh dưỡng khi mang thai đã là bài toán khó, với sản phụ bị tiểu đường lại càng phức tạp hơn. Bên cạnh những thực phẩm lành mạnh cần được bổ sung thường xuyên, mẹ nên tránh các loại thực phẩm không có lợi cho tiểu đường thai kỳ để đảm bảo sức khỏe mẹ nhé!
Thực phẩm giàu tinh bột
Đại diện tiêu biểu của nhóm này gồm có: bánh mì trắng, khoai tây, mì ống và cả loại gạo trắng mà chúng ta vẫn thường hay sử dụng. Sau khi tiêu thụ, tinh bột trong những thực phẩm này sẽ nhanh chóng được cơ thể chuyển hóa thành đường hấp thụ vào máu khiến đường huyết tăng vọt. Việc ăn nhiều thực phẩm giàu tinh bột sẽ gây khó khăn cho quá trình kiểm soát đường huyết.
Nước ngọt có ga
Chế độ ăn cho người tiểu đường thai kỳ thường không bao gồm các loại thức uống có ga. Lý do vì bản thân chúng chứa hàm lượng carbohydrate cao không những ảnh hưởng đến cân nặng mà còn gây rối loạn đường huyết.
Thêm vào đó, thành phần đường fructose có trong những sản phẩm này được cho là dẫn đến tình trạng kháng insulin và làm tăng mức cholesterol có hại ở mẹ bầu.
Thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa
Các thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa luôn có mặt trong danh mục tiểu đường thai kỳ kiêng ăn gì. Nguyên do là bởi chúng không những ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng insulin mà còn làm tăng nồng độ cholesterol xấu đẩy mẹ bầu đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Chất béo chuyển hóa thường có nhiều trong các loại thực phẩm chiên, xào, bơ thực vật hoặc các sản phẩm như bánh quy, các loại sốt dùng để trộn salad…
Đồ ăn nhanh
Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi, bạn nên nói lời chào tạm biệt với những món ăn nhanh như pizza, bánh mì kẹp (hamburger), khoai tây chiên… Tương tự đồ uống có ga, những thực phẩm này khá giàu carb nhưng lại nghèo dưỡng chất, thậm chí thiếu hẳn chất xơ.
Các biện pháp giúp mẹ ổn định đường huyết trong thai kỳ:
- Kiểm tra đường huyết thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Uống nhiều nước nhằm loại bỏ độc tố, giảm độ nhớt của máu do lượng đường tăng cao
- Dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, tránh để bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài
- Tập thể dục đều đặn để cải thiện độ nhạy của insulin. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại hình tập luyện và cường độ tập phù hợp với mình
- Tuân thủ các mốc khám thai định kỳ.
Nguồn: baosonhospital.com